Các kiến trúc sư, thành viên hội xây dựng cho rằng đã đến lúc cầu Long Biên dừng công năng giao thông và phục chế trở lại với hình dáng nguyên gốc ban đầu để phát triển du lịch văn hóa.
Trong hội thảo "Dự án quy hoạch bảo tồn, cải tạo, phát triển cầu Long Biên và khu vực liên quan" tổ chức vào trung tuần tháng 9, nguyên phó chủ tịch hội Kiến trúc sư Việt Nam Hoàng Đạo Kính đề xuất biến cầu Long Biên thành chợ - cầu.
Theo ông Kính, cầu Long Biên đã đến lúc giã từ vai trò công trình giao thông và nên cải tạo thành công trình văn hóa. Đây là cầu rất hiếm hoi vừa là chứng nhân lịch sử, thành tựu kỹ thuật, là nhân tố tạo nên khung cảnh cho thủ đô nên cần được khôi phục vẻ đẹp mang ý nghĩa văn hóa.
Ông Kính cho rằng, hiện nay Hà Nội chưa có nhiều nơi hấp dẫn du khách ngoài khu phố cổ. Nếu cầu Long Biên được cải tạo thì đó sẽ là điểm dừng chân tuyệt vời. "Không gian giữa cầu nơi có đường xe lửa rộng chừng 4 m nên dành cho việc tổ chức một dãy hàng quán, các điểm giải khát, có vách kính hai bên và mái che ở trên, theo cách mà châu Âu người ta gọi là pas - sage, một hành lang dài với kiốt và quầy hàng. Với giải pháp này ta có thể tạo nên chợ - cầu có sức thu hút đặc biệt", ông Kính nói.
Nguyên phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng đánh giá, đề xuất của bà Nguyễn Nga về cải tạo cầu Long Biên là rất kịp thời. Những ý tưởng về bảo tàng hóa và sinh động hóa bản thân cây cầu, tổ chức vườn treo trên đường dẫn lên cầu, tổ chức các gian hàng trong không gian vòm dưới đường dẫn, bảo tàng mỹ thuật đương đại bên kia sông... là những gợi ý phù hợp và có triển vọng phát huy.
|
Cầu Long Biên được trang trí trong dịp Festival. Ảnh: Lê Hiếu. |
Mặc dù vậy, ông cũng nhấn mạnh, đó chỉ là phác thảo và chỉ trở thành dự án khi có sự ủng hộ của chính quyền thành phố, tìm được tiếng nói chung với ngành giao thông.
Bà Lã Kim Ngân, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đánh giá cao ý tưởng biến cầu Long Biên thành bảo tàng lịch sử cận đại dài nhất thế giới của kiến trúc sư Nguyễn Nga. Tuy nhiên, bà cho rằng phương án cải tạo cầu Long Biên cần được bảo tồn, phục chế trở lại với hình dáng nguyên gốc ban đầu, không nên nâng cao hay mở rộng làm thay đổi kiến trúc.
"Việc bao phủ những nhịp cầu bằng hệ thống kính trong suốt cần được cân nhắc bởi phương án này có thể làm biến dạng toàn bộ cảnh quan lịch sử của cầu", bà Ngân nói.
Viện trưởng Viện quy hoạch cũng đề xuất, trong tương lai, ngoài việc hình thành tuyến đi bộ trên cầu, vẫn cần khuyến khích xe đạp lưu thông, cấm hoàn toàn xe máy. Phương thức này sẽ góp phần cùng tuyến đi bộ đưa "bảo tàng lịch sử cận đại" đến gần hơn với công chúng, đồng thời tạo môi trường tốt cho các hoạt động du lịch, văn hóa, triển lãm gắn kết với sinh hoạt thường nhật của người dân đô thị.
Bên cạnh đó, quy hoạch phía bắc cầu Long Biên cần được mở rộng, đến với ga và khu vực nhà máy xe lửa Gia Lâm nhằm nghiên cứu khả năng kết nối các không gian đặc thù của lịch sử phát triển đường sắt Việt Nam gồm nhà ga - bảo tàng - cầu đường sắt.
Phó chủ tịch tổng hội xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm thì cho rằng cầu Long Biên cần được công nhận là di sản đô thị để tái sử dụng thích nghi. Theo ông Liêm, đây là nơi có thể mang lại lợi ích tinh thần rất lớn, như tái hiện tiếng tàu điện leng keng, phát triển về du lịch và khuyến khích nông nghiệp đô thị, trồng cây trên mái nhà...
Ông Liêm lưu ý, muốn đặt hệ thống hạ tầng ở cầu Long Biên thì phải đảm bảo thu lợi nhuận để tự nuôi. Muốn thế các hoạt động trên cầu cũng phải diễn ra liên tục trong ngày và cả 12 tháng. Vì cầu bắc qua sông Hồng nên mùa đông sẽ rất lạnh, phải tính đến biện pháp che chắn, chỗ trú chân cho khách khi mưa.
"Ý tưởng cải tạo cầu Long Biên rất hay nhưng muốn thực hiện được thì chúng ta phải lập một phái đoàn gặp Bộ trưởng Bộ Giao thông, chủ tịch UBND thành phố trình bày để nó nhanh đi vào cuộc sống", ông Liêm kiến nghị và khẳng định, ngày nay các đô thị muốn cạnh tranh được phải có ý tưởng độc đáo, có thương hiệu, ví như Tokyo có Phú Sỹ, Paris có Eiffel... thì Hà Nội cần có cầu Long Biên.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho hay, Singapore đang tìm cách phục chế, tái tạo khu phố Ấn Độ truyền thống đã bị tháo bỏ, xóa đi hình hài đặc sắc trong quá trình hiện đại hóa quốc đảo này. Việt Nam đi sau nên rút ra những bài học hữu ích. Đó là xóa, phá, bỏ mặc di sản lịch sử, văn hóa hàm chứa nguy cơ đi vào tương lai như một người không hành trang, mất ký ức và bản sắc dân tộc.
"Chúng ta cần nhìn cầu Long Biên ngày nay từ lăng kính của trách nhiệm, sức sống và óc sáng tạo. Trách nhiệm đối với quá khứ của dân tộc và đối với các thế hệ tương lai là không thể xóa bỏ, hủy bỏ cầu Long Biên", bà nói và khuyến khích hãy biến cầu Long Biên thành một trong những thương hiệu đặc thù và sống động của Hà Nội và Việt Nam.
VnExpress