Cầu Thủ Thiêm 2 - Cây cầu bắc qua sông Sài Gòn sang khu đô thị mới Thủ Thiêm - dự kiến sẽ được khởi công vào cuối năm 2012 và hoàn thành vào năm 2015, theo kế hoạch của Sở Giao thông vận tải TPHCM. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, vào thời điểm này, nhu cầu về giao thông giữa trung tâm TPHCM với Thủ Thiêm chưa lớn, cây cầu có vốn đầu tư tới 1.600 tỉ đồng liệu có mang lại hiệu quả?
Những mối băn khoăn
Trong buổi hội thảo " Góp ý đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 " diễn ra ngày 26-8 tại TPHCM, các chuyên gia của Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật TPHCM cho rằng việc xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 vào thời điểm này là chưa cần thiết và khó giải quyết nạn ùn tắc giao thông ở TPHCM.
Ông Đồng Văn Khiêm, Phó chủ tịch Hội sinh vật cảnh TPHCM đặt câu hỏi, việc xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 có giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông hiện nay hay không? Ông Khiêm cho rằng, trong khi giao thông qua lại giữa khu trung tâm với khu đô thị mới Thủ Thiêm chưa lớn, cần phải xem xét kỹ trước khi xây dựng nhằm tránh tình trạng cầu xây xong mà xe qua lại thưa thớt như tình trạng cầu Thủ Thiêm 1 hiện nay.
Cho đến nay chủ đầu tư dự án cầu Thủ Thiêm 2 vẫn chưa có báo cáo về hiệu quả dự án, chẳng hạn như tác động của cầu Thủ Thiêm 2 trong việc giải quyết các vấn đề giao thông hay lượng xe qua lại sau khi cầu được xây dựng xong. “Chúng tôi không phản đối việc xây cầu nhưng chủ đầu tư phải làm rõ được hiệu quả và cần cân nhắc trong điều kiện hiện nay thì nên xây cầu hay chưa?” ông Khiêm nói.
Cùng chung quan điểm với ông Khiêm, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật TPHCM băn khoăn, hiện nay cầu Thủ Thiêm 1 và cầu Phú Mỹ rất vắng xe, dự án xây xong chưa phát huy được hiệu quả, nếu tiếp tục xây cầu Thủ Thiêm 2 thì có hiệu quả hay không? Trong khi, vào tháng 11 tới đây, hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn chính thức thông xe. Nếu không tính toán kỹ, cây cầu này có thể lại rơi vào tình trạng như cầu Thủ Thiêm 1 và cầu Phú Mỹ hiện nay. Do đó, thành phố nên xem xét ưu tiên xây dựng những công trình cấp bách trước, các dự án chưa cần thiết thì nên xây dựng sau.
Hạ tầng phải đi trước
Sau khi nghe ý kiến góp ý của các đại biểu, ông Bùi Xuân Cường, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM, cho rằng mục tiêu của ngành giao thông là cầu, đường phải được xây dựng trước, sau đó mới phát triển cơ sở hạ tầng. Nên việc xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 được Sở GTVT coi là cơ sở để phát triển cơ sở hạ tầng khu đô thị mới Thủ Thiêm.
“Dự báo đến năm 2030, khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ có 120.000 người sinh sống, mỗi ngày sẽ có khoảng 350.000 người qua lại làm việc.. Theo quy hoạch đến năm 2030, TPHCM sẽ xây dựng 4 cây cầu bắc sang khu đô thị mới Thủ Thiêm, cộng với một cây cầu đi bộ, một đường hầm mới... Quá trình nghiên cứu đã tính kỹ, chừng đó công trình mới đủ khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân sang đô thị Thủ Thiêm trong tương lai”, ông Cường nói.
Ngoài ra, khi cầu Thủ Thiêm 2 hoàn thành sẽ kết nối trực tiếp với 4 tuyến đường chính của khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Tuy nhiên, theo ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch thường trực Hội cầu, đường, cảng TPHCM, công trình này cần phải có ý kiến phản biện của các chuyên gia và nguồn vốn đầu tư phải được làm rõ ngay từ ban đầu.
Theo dự án, cầu Thủ Thiêm 2 có điểm đầu nối với đường Tôn Đức Thắng, quận 1 (gần nhà máy Ba Son) rồi bắc qua sông Sài Gòn để nối với khu đô thị mới Thủ Thiêm. Dự án này được UBND TPHCM giao cho Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) làm chủ đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).
Dự kiến cầu Thủ Thiêm 2 có quy mô 4 làn xe, dải phân cách ở giữa rộng 2 mét để trồng hoa và có lề bộ hành ở hai bên cầu. Tính cả cầu và đường dẫn tới khu đô thị Thủ Thiêm có chiều dài khoảng 1,2km với tổng vốn đầu tư khoảng 1.600 tỉ đồng.
Theo Sở GTVT, sau khi hoàn thành, cầu Thủ Thiêm 2 cùng với cầu Thủ Thiêm 1 và hầm Thủ Thiêm sẽ kết nối hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trục chính của TPHCM với khu đô thị mới Thủ Thiêm.