2012 là năm bản lề, có ý nghĩa quyết định đến việc hoàn thành đúng tiến độ hay không của các tuyến đường cao tốc lớn của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC). Trong bối cảnh đó, chủ đầu tư và các nhà thầu đã phải rốt ráo ra quân, đẩy nhanh tiến độ ngay từ những ngày đầu năm để bảo đảm đưa dự án đi theo đúng quỹ đạo ban đầu.
Thi công đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai
Điển hình nhất trong số các dự án ra quân triển khai quyết liệt trong những ngày đầu năm mới phải kể tới tuyến cao tốc Nội Bài- Lào Cai. Đây là dự án đường cao tốc dài nhất Việt Nam hiện nay đang được triển khai thi công và có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc phát triển kinh tế và giao thương đi lại của người dân các tỉnh khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, tiến độ công trình này lại không được như mong muốn. Theo ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), cho đến thời điểm này, các gói thầu mới chỉ đạt khoảng 20% tiến độ.
Báo cáo của VEC cũng cho thấy, giá trị sản lượng toàn dự án trong năm 2011 chỉ đạt khoảng 2.018 tỷ đồng, đạt 85% kế hoạch năm. Giá trị nghiệm thu, thanh toán 2.106 tỷ đồng, trong đó giá trị giải ngân khoảng 1.990 tỷ đồng, đạt 85,2% kế hoạch. Về công tác xây lắp, giá trị sản lượng đạt 1.660 tỷ đồng đạt 95,2%, giải ngân đạt 1.278 tỷ đồng đạt 88,8% kế hoạch năm. Tiến độ này thật sự chưa được như mong muốn, nhất là thời hạn để dự án thông xe, đưa vào sử dụng chỉ còn chưa đầy 2 năm nữa. Chính vì vậy, việc tăng tốc thi công ngay từ thời điểm này có ý nghĩa quyết định tới việc công trình có hoàn thành đúng tiến độ hay không.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, các nhà thầu tham gia thi công phải tập trung, ưu tiên mọi nguồn lực, bổ sung thiết bị máy móc, nhân lực để thi công dự án đúng kỹ thuật, đảm bảo mỹ thuật và chất lượng công trình. Tư vấn giám sát phải phát huy hết trách nhiệm của mình, nghiên cứu, đề xuất phương án tổ chức quản lý, giám sát dự án thích hợp, đồng thời giải quyết kịp thời các đề nghị của nhà thầu, không để ảnh hưởng đến tiến độ công trình. Bộ GTVT kiên quyết không lùi tiến độ dự án và yêu cầu VEC phải thông xe, đưa vào khai thác vào cuối năm 2013 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Không giống như Nội Bài- Lào Cai, tuyến cao tốc Cầu Giẽ- Ninh Bình mặc dù khối lượng không còn nhiều nhưng việc gấp rút đẩy nhanh tiến độ ngay từ thời điểm này là rất quan trọng. Ông Trần Xuân Sanh, Chủ tịch HĐTV VEC cho biết, tính tới thời điểm hiện nay, dự án đã hoàn thành được khoảng từ 70- 80% khối lượng. Hầu hết các hạng mục thi công phức tạp, đòi hỏi thời gian xử lý dài như: xử lý nền đất yếu, nền đường, nút giao, cầu lớn,... đều đã hoàn thành.
Chính vì vậy VEC và các nhà thầu phải nỗ lực, dồn sức triển khai thi công ngay từ những ngày đầu của năm mới để hoàn tất nốt hơn 20% còn lại, phấn đấu hoàn thành và đưa vào khai thác trước thời điểm 30/6/2012 như chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT.
Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng cũng cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, Bộ GTVT rất chia sẻ với những thách thức mà VEC và các đơn vị thi công đã và đang phải vượt qua. Tuy nhiên, với tinh thần chỉ có tiến, không thể lùi, Bộ GTVT yêu cầu chủ đầu tư bằng mọi biện pháp có thể, tập trung phối hợp với các địa phương trong công tác GPMB, đề xuất phương án huy động đủ các nguồn vốn, chỉ đạo quyết liệt các nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ thi công và sớm hoàn thành công trình.
Một dự án đường cao tốc khác của VEC là TP.HCM- Long Thành- Dầu Giây cũng được chủ đầu tư và các nhà thầu cam kết tăng tốc đẩy nhanh tiến độ để phấn đấu hoàn thành trong năm 2013. Theo đó, ngay trong năm 2012, các đơn vị cam kết thực hiện giá trị sản lượng thi công khoảng 2.850 tỷ đồng, trong đó giá trị xây lắp đạt 2.600 tỷ đồng, tăng 1.000 tỷ so với năm 2011, giá trị giải ngân đạt 3.100 tỷ đồng, trong đó giá trị xây lắp đạt 2.850 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các nhà thầu cũng nỗ lực tập trung thi công để hoàn thành dứt điểm và bàn giao đúng tiến độ gói thầu 1A vào tháng 7/2012 và gói thầu 1B vào tháng 12/2012.
Nguồn: Giaothongvantai.com