Nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong 5 năm tới sẽ được ưu tiên sử dụng cho xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, quy mô lớn và hiện đại.
Đại lộ Võ Văn Kiệt- tuyến đường nối từ phía Đông sang phía Tây của TPHCM được đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản - Ảnh: Anh Quân |
Đề án "Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ thời kỳ 2011 – 2015" mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tại Quyết định 106/QĐ -TTg nhận định, nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ giai đoạn 2011 - 2015 dự kiến khoảng 32 - 34 tỉ đô la Mỹ, giải ngân khoảng 14 - 16 tỉ đô la Mỹ, trong đó khoảng 50% vốn giải ngân từ các chương trình và dự án ký kết trong giai đoạn 2006 - 2010 chuyển sang.
Tính bình quân trong thời gian 2011- 2015 vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân sẽ đạt khoảng 2,8 - 3,2 tỉ đô la mỗi năm.
Theo đề án, nguồn vốn này sẽ được ưu tiên sử dụng cho xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, trong đó sẽ dành phát triển các tuyến đường cao tốc, xây dựng đường bộ ở những vùng kinh tế trọng điểm nơi có thể kết nối thuận lợi giữa các vùng vùng, miền và quốc tế.
Hiện nay, ngoài 2 dự án đường cao tốc đang triển khai là tuyến đường Cầu Giẽ-Ninh Bình ở phía Bắc và TPHCM - Long Thành - Dầu Giây ở phía nam, còn 2 dự án khác đang chờ vốn để khởi công là dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, vốn đầu tư 1,4 tỉ đô la và dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành vốn đầu tư 1,68 tỉ đô la. Một số dự án khác dự kiến sẽ được đầu tư bằng các nguồn vốn vay ODA là dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ; đường cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa; đường cao tốc Thanh Hóa - Hà Tĩnh…
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Tấn Viên, cho biết nhu cầu vốn tối thiểu để đầu tư hạ tầng giao thông trong 5 năm tới ước tính khoảng 483.000 tỉ đồng; nếu bố trí đủ vốn, Bộ Giao thông vận tải sẽ làm mới, mở rộng khoảng 6.000 km đường (trong đó khoảng 600km đường cao tốc), 44,6 km chiều dài cầu đường bộ, xây dựng 150 km đường sắt, xây dựng thêm 12,5 km cầu cảng biển.
Đề án cũng đánh giá tình hình thực hiện việc thu hút và sử dụng ngồn vốn ODA giai đoạn 2006- 2010, theo đó tổng vốn ODA cam kết của các nhà tài trợ đạt trên 31,76 tỉ đô la Mỹ, cao hơn 15% so với mục tiêu đề ra, tổng vốn giải ngân đạt 13,86 tỉ đô la, trong đó lĩnh vực giao thông, bưu chính viễn thông, cấp thoát nước và đô thị chiếm cao nhất (36%), tiếp đến là y tế, giáo dục, môi trường, khoa học công nghệ (28%)....
Theo TBKTSG