Thư viện ảnh
Hinh anh cau duong tu an son
Số lượt truy cập :
Visitor
Go
TP. HCM sẽ có thêm một đường hầm và 34 cầu mới
Khởi công nâng cấp Quốc lộ 217 qua tỉnh Thanh Hóa
Khánh thành cầu Tam Bạc mới
Khởi công dự án 2004 tỷ đồng mở rộng QL1A
Cao tốc chạy nước rút để kịp thông xe
Động thổ dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt Hà Nội - TP. HCM
Nghệ An: Động thổ DA nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 535
Khánh thành cầu Chợ Gạo gỡ "nút thắt" cả giao thông thủy lẫn bộ
Những cây cầu độc đáo ở Đà Nẵng
Khởi công dự án mở rộng QL1A hơn 3.500 tỷ đồng
Nhật Bản cho Việt Nam vay 2,16 tỷ USD để thực hiện 12 dự án
Đà Nẵng khánh thành hai công trình kỷ lục thế giới
Tin tức
Làm việc với TPHCM, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông
16/03/2010 07:52 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Ngày 15-3, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thường trực Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt TPHCM nhằm tháo gỡ những khó khăn của TP trong việc triển khai các dự án đầu tư lớn, chống ngập, ùn tắc giao thông. Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã mở ra nhiều cơ chế, chính sách quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội TPHCM phát triển… Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí Phó Thủ tướng: Nguyễn Sinh Hùng, Hoàng Trung Hải, Trương Vĩnh Trọng và lãnh đạo các bộ ngành trung ương.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải và Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân xem quy hoạch mạng lưới giao thông TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ùn tắc giao thông: Giải quyết từ khâu quy hoạch

Tại buổi làm việc, các phó thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành đều đánh giá cao nỗ lực của TPHCM trong việc triển khai quyết liệt các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là triển khai các dự án đầu tư hạ tầng giao thông. Theo báo cáo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài, TP đã lập xong quy hoạch phát triển giao thông vận tải đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, đồng thời triển khai 12 dự án quy mô lớn gồm: Đại lộ Đông-Tây, đường trục Bắc-Nam, đường vành đai 2, mở rộng xa lộ Hà Nội…

Tuy nhiên, vì ngập nước, ùn tắc giao thông đang là 2 vấn đề bức xúc lớn của TPHCM nên được hầu hết đại biểu quan tâm mổ xẻ để đưa ra giải pháp.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu cho rằng ngập nước, ùn tắc giao thông tại TPHCM không chỉ làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của TP trong giai đoạn hiện nay mà còn tác động trong 5 năm tới. Do vậy, cần đầu tư mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực này.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng kiến nghị TPHCM cần thực hiện tốt việc di dời, cải tạo cảng; đấu nối tốt hệ thống cảng với đường giao thông để năng lực thông quan hàng hóa nhanh hơn.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng nhận định: Trong năm 2009, công tác giải ngân vốn đầu tư các công trình hạ tầng giao thông tại TPHCM đã đẩy nhanh gấp đôi các năm trước. Hầu như tháng nào TPHCM cũng có dự án khởi động, cho thấy sự khởi sắc về các công trình giao thông của TP. Tuy nhiên, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng lưu ý thời gian tới TPHCM cần nâng cao chất lượng quy hoạch giao thông. “Giải quyết giao thông phải giải quyết từ khâu quy hoạch. Ngoài ra, giải quyết giao thông tĩnh cũng rất quan trọng. Một đô thị lớn như TPHCM phải có bãi đậu xe hiện đại. Diện tích cho bãi đậu xe cứ bị ép, nhường chỗ cho khách sạn, cao ốc… là không được, phải tính toán lại”, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nói.

TPHCM phải “sống chung” với xe máy thêm một thời gian khá dài nên trong giải pháp của mình TP cần từng bước tách biệt phương tiện giao thông hỗn hợp như TP đã từng thực hiện trên các tuyến đường: Trường Chinh, Điện Biên Phủ, Nguyễn Văn Linh… Đặc biệt, phải kiểm soát được sự gia tăng mật độ dân cư vì nếu mật độ dân cư cứ để tăng như hiện nay thì hạ tầng giao thông không chịu nổi.

CSGT đang điều hòa giao thông. Ảnh: VIỆT DŨNG

Thứ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đề xuất tăng cường việc xây dựng TP vệ tinh; tăng mức xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, có thể giao cho chính quyền TP quyết định mức xử phạt phù hợp.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng đẩy nhanh tiến độ di dời bệnh viện, trường học ra khỏi khu vực trung tâm TP cũng là một giải pháp góp phần chống ùn tắc giao thông, vì hiện nay đến 45% bệnh nhân là từ các tỉnh về TP điều trị…

Đóng góp ý kiến về sự phát triển chung của TP, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng ngành công nghiệp TP đã phát triển đúng hướng, chuyển dịch mạnh theo hướng ngành công nghiệp mũi nhọn. Tuy nhiên cần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, tập trung thu hút đầu tư nước ngoài và khi thực hiện các dự án phải tính đến ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu, tác động môi trường.

Theo Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, mỗi năm TP cần đưa ra chỉ tiêu cụ thể về việc xóa điểm ngập nước, kẹt xe làm cơ sở để xử lý trách nhiệm nếu chỉ tiêu đề ra không hoàn thành. 

Đột phá 3 lĩnh vực quan trọng

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiều lần đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP với tinh thần năng động, sáng tạo và tinh thần trách nhiệm cao đã thực hiện hiệu quả các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, đóng góp thiết thực vào sự tăng trưởng chung của cả nước. Thủ tướng mong rằng TPHCM tiếp tục giữ vai trò đầu tàu tăng trưởng kinh tế của cả nước (chiếm 20% GDP, đóng góp 30% ngân sách, là trung tâm văn hóa và đầu tàu hội nhập phát triển của đất nước).

Đại lộ Đông-Tây, một trong những công trình giao thông trọng điểm của TPHCM sắp hoàn thành. Ảnh: THÁI BẰNG

Qua đó, Thủ tướng đề nghị thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt các nhiệm vụ kinh tế xã hội đã đề ra trong năm 2010 như: GDP tăng trên 10%, xuất khẩu tăng 12,7%, huy động lớn các nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng… góp phần cùng cả nước hoàn thành kế hoạch năm 2010 cũng như kế hoạch 5 năm 2006-2010 mà Đại hội Đảng X đã đề ra, đồng thời chuẩn bị kế hoạch 5 năm 2011-2015 với yêu cầu cao về chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn nhiệm vụ này với việc chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp.

Thủ tướng chỉ đạo TPHCM cần tiếp tục kiểm soát tốt giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn chặn lạm phát trở lại; kiểm soát tốt tình hình an ninh, trật tự xã hội; kiềm chế giảm số vụ ùn tắc giao thông. Theo Thủ tướng, TPHCM cần đột phá vào 3 lĩnh vực, gồm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và tập trung phát triển nhanh hạ tầng kinh tế xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chấp thuận việc tạo cơ chế tài chính đặc thù cho TPHCM để thực hiện thí điểm; xây dựng bộ máy quản lý tương xứng, phù hợp với yêu cầu, đặc thù của TP với hơn 10 triệu dân. Dứt khoát năm 2013 giải quyết căn bản tình trạng ngập úng…

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải nhận định với những cơ chế, chính sách mà Thủ tướng Chính phủ mở ra cho TP tại buổi làm việc này sẽ tạo điều kiện quan trọng trong việc thúc đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển kinh tế - xã hội TPHCM trong thời gian tới.

Ngoài chấp thuận một số kiến nghị của UBND TP về phát triển hạ tầng giao thông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chấp thuận TPHCM thí điểm tạo quỹ đầu tư hạ tầng từ việc điều chỉnh tăng mức thu khi cấp mới giấy đăng ký và biển số xe ô tô từ 7 chỗ ngồi trở xuống, không hoạt động kinh doanh vận tải hành khách từ 2 triệu đồng lên 20 triệu đồng; ban hành lệ phí lưu hành xe hàng năm đối với khu vực TPHCM (mô tô, xe máy: 500.000 đồng/năm; xe ô tô từ 7 chỗ ngồi trở xuống không hoạt đông kinh doanh vận tải hành khách 5 triệu đồng/năm).

Về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông, Thủ tướng chấp thuận cho TPHCM điều chỉnh tăng mức phạt từ 100.000 đồng lên 1 triệu đồng đối với xe ô tô dừng đỗ không đúng quy định; tăng mức phạt từ 80.000 đồng lên 500.000 đồng nếu xe gắn máy không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông…

  • Sử dụng vốn ODA xây dựng tuyến metro số 5

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chấp thuận cơ bản những kiến nghị của TP về đầu tư phát triển hạ tầng như làm đường vành đai 3 nhưng giao cho Bộ GTVT làm đầu mối chính báo cáo dự án, đề xuất phương thức đầu tư. Sau đó giao 4 tỉnh, thành có dự án đi qua (TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An) làm chủ đầu tư. Đối với dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Bộ GTVT phải đánh giá tác động môi trường trước khi kêu gọi đầu tư. Thủ tướng cũng chấp thuận việc TP triển khai thực hiện các tuyến đường trên cao số 1, 2, 3, 4, trong đó ưu tiên làm tuyến số 1 trước vì đây là tuyến đường xương sống. Chấp thuận cho TPHCM sử dụng nguồn vốn ODA (do Tây Ban Nha tài trợ) để thực hiện dự án tuyến Metro số 5. Theo Thủ tướng, các nước và nhà tài trợ đánh giá cao việc TPHCM sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA, vì vậy cần tranh thủ nguồn vốn này để thực hiện các dự án giao thông.

Về dự án kiểm soát triều đang thực hiện tại TPHCM, Thủ tướng cũng chấp thuận chi 130 tỷ đồng để Bộ NN-PTNT hoàn tất công tác thiết kế kỹ thuật, sớm triển khai dự án. Riêng vấn đề kiểm soát dân số, Thủ tướng đồng ý kiến nghị của TPHCM và các bộ về việc sửa đổi một số quy định trong Nghị định hướng dẫn Luật Cư trú nhưng trước mắt giao Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ phê duyệt.

Vân Anh

www.sggp.org.vn

Các tin đã đăng:
© 2009 -2024An Sơn JSC. Địa chỉ: Số 460, Đường Lê Văn Việt, Khu phố 2, phường Tăng Nhơn Phú A, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh. E-Mail: congtycpanson@gmail.com
Powered by Sacomtec Corp.bản đồ bằng gỗ 3d