Từ 1999 - 2011, Việt Nam có thêm 126 khu đô thị, nâng tổng số đô thị trên cả nước lên 755 khu. Theo báo cáo của Bộ xây dựng, tính đến tháng 5/2011, cả nước có 755 đô thị, tăng 126 đô thị so với thống kê năm 1999.
Trong số các khu đô thị mới, có 2 khu đô thị loại đặc biệt, 5 khu đô thị loại I và 97 khu đô thị lại V, dẫn tới tình trạng phân bổ các loại đô thị không cân đối.
Trong hơn 10 năm qua, trung bình, mỗi tháng cả nước có thêm 1 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa tăng gần 10% (từ 20,7% lên 30,5%). Trong khi đó, dân số đô thị tăng 42%, từ 18,3 triệu người lên 26 triệu người, khiến mật độ dân số đô thị tăng nhanh, kéo theo nhiều vấn đề về xã hội, môi trường, văn hóa, hạ tầng giao thông,..
Hiện quỹ nhà ở toàn quốc đạt trên 900 triệu m2, tương đương 12 m2 sàn/người, chỉ đạt hơn 50% so với mục tiêu đến năm 2015, diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt mức 21,5 m2 sàn/người theo Dự thảo phát triển nhà ở đến 2020.
Vấn đề mảng xanh trong đô thị cũng chưa được quan tâm đúng mức khi tỷ lệ cây xanh trong đô thị chỉ từ 2 - 5m2/người, rất thấp so với mục tiêu 10 - 15 m2/người.
Đáng lưu ý nhất là vấn đề nhập cư đô thị hiện đang gây mất cân bằng sinh thái do tỷ lệ di cư lớn, không được quản lý chặt chẽ, dẫn tới phát sinh nhiều khu nhà ở kém chất lượng, gây mất mỹ quan đô thị.
Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ xây dựng cho biết: “Dự đoán, đến năm 2040, tốc độ phát triển đô thị tại Việt Nam sẽ đạt mốc 50%, tổng diện tích đô thị sẽ tăng gấp 10 lần so với hiện nay và có thêm khoảng 20 triệu người chuyển đến sống tại các thành phố”.
(Số liệu do Bộ xây dựng công bố tại “Hội thảo Thông minh + kết nối - xu thế phát triển nhà ở và đô thị” được tổ chức tại Hà Nội ngày 6/7).Nguồn: DVT.vn