Bốn đốt hầm dìm Thủ Thiêm, mỗi đốt dài 93 m, rộng 33 m, cao 9 m (tương đương tòa nhà 3 tầng), nặng gần 27.000 tấn sẽ lần lượt được các tàu kéo ra sông và dìm xuống đáy sông Sài Gòn từ ngày 7/3. Đây là sự kiện quan trọng đầu năm của ngành giao thông TP HCM vì việc lai dắt và dìm hầm lớn nhất Đông Nam Á không phải là điều dễ dàng, tất cả đều mới mẻ vì đây là lần đầu.
|
Các đốt hầm Thủ Thiêm ngập trong nước tại bãi đúc Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai chờ ngày kéo ra vị trí đánh dìm. Ảnh: NKP. |
Cụ thể, bốn đốt hầm Thủ Thiêm sẽ được lai dắt từ bể đúc Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai về tới khu vực đánh dìm. Đoạn đường sông dài 22 km là một thách thức lớn khi chỉ cần một sự cố nhỏ cũng làm đốt hầm nặng 27.000 tấn bị hư hại hoặc lệch đường đi.
Theo phương án thống nhất giữa các bên liên quan và đã được UBND TP HCM thông qua chiều 2/3, sẽ có 4 tàu kéo chính, 1 tàu kéo dự bị, hai tàu đầy cảnh giới và 5 cano cao tốc làm nhiệm vụ lai dắt mỗi đốt hầm.
Khoảng 7h ngày 7/3, đốt hầm đầu tiên được kéo ra bể đúc và bắt đầu lai dắt, đến khoảng 13h-15h cùng ngày, đốt hầm sẽ vào vị trí dìm. Đường đi chia làm 2 đoạn: từ vị trí bể đúc đến ngã ba sông Sài Gòn, với tuyến sông khá rộng nên sẽ tổ chức lưu thông theo từng khu vực, vận tốc di chuyển dự kiến là 5,5 km/h.
Phần đường còn lại từ ngã ba sông Sài Gòn đến vị trí dìm (khu vực Mỹ Cảnh - Thủ Thiêm), vận tốc di chuyển khoảng 3,7km/h do tuyến lưu vực này hẹp và có nhiều đoạn uốn cong.
Dọc tuyến sẽ có 11 chốt cảnh giới cơ động, 5 điểm neo đậu tạm thời được bố trí để đề phòng sự cố có thể xảy ra khi lai dắt hầm. Đồng thời để đảm bảo tính an toàn trong việc cấm tất cả phương tiện lưu thông trên đoạn tuyến sông này, Ban quản lý dự án sẽ bố trí 6 trạm giao thông hình thành 3 vòng để chặn mọi thuyền từ các kênh rạch đi ra.
"Đối với chúng tôi, kéo một đốt hầm nặng 27.000 tấn không bánh lái trên sông là một công việc cực kỳ khó khăn. Chỉ cần một va chạm nhỏ hoặc dây kéo kết nối hầm với tàu lai dắt bị đứt thì chắc chắn hầm sẽ bị chuyển hướng ngay", đại diện Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết.
Ngoài ra theo ông này, do hầm Thủ Thiêm được phủ một lớp keo chống thấm phía ngoài nên bất cứ va đập nào từ một vật thể trên sông cũng có thể gây nguy hiểm đến lớp bảo vệ này. Khi đó, phải có biện pháp xử lý ngay nên một kịch bản về các sự cố cũng đã được đưa ra.
Sự cố có thể gây nguy hiểm nhất trong quá trình lai dắt là vách ngăn đầu hầm bị thủng: nếu nước chỉ rò rỉ vào trong thì tiếp tục kéo đến vị trí dìm. Còn trường hợp xấu nhất khi hư hỏng quá lớn không thể kéo đi được thì buộc phải đánh chìm tại chỗ. Sau khi khắc phục xong sự cố mới có thể lai dắt tiếp.
Diễn biến bất thường của thời tiết thì đoàn buộc phải dừng lại tại chỗ, việc xử lý đoạn cong không tốt dẫn đến hầm có thể mắc cạn... đều được tính đến một cách chi tiết.
Sau khi hầm được dìm xuống đáy sông Sài Gòn, mặt trên của hầm sẽ trải cát, rồi tới đá hộc... và lớp bùn đất để trả lại nguyên trạng cho đáy sông Sài Gòn. Đốt hầm số 1 được kéo và dìm ngày 7-8/3, đốt thứ hai là 5-6/4, đốt 3 là 4-5/5, đốt cuối cùng ngày 4-5/6.
Trong buổi họp bàn cuối cùng chiều 2/3, lãnh đạo thành phố cũng chỉ đạo các bên tập trung mọi biện pháp để đảm bảo an toàn cho công tác lai dắt hầm. Nếu cần thiết thì có thể diễn tập về công tác đảm bảo an toàn.
TP HCM cũng sẽ dùng trực thăng và thợ lặn để ghi lại khoảng khắc lai dắt và dìm hầm Thủ Thiêm.
Hầm Thủ Thiêm là công trình ngầm vượt sông đầu tiên ở Việt Nam thuộc dự án Đại lộ Đông Tây. Theo thiết kế, đường ngầm này bắt đầu chui xuống đất bởi 2 đoạn dẫn ở hai bờ quận 1 và quận 2, với độ nghiêng 4%, nằm dưới đáy sông cách mặt nước 26 m. Mặt cắt ngang của hầm rộng 33,3 m bao gồm hai hướng lưu thông với 3 làn xe mỗi bên. Vận tốc thiết kế của hầm là 60 km một giờ. |
Kiên Cường(vnexpress.net)