Thư viện ảnh
Hinh anh cau duong tu an son
Số lượt truy cập :
Visitor
Go
TP. HCM sẽ có thêm một đường hầm và 34 cầu mới
Khởi công nâng cấp Quốc lộ 217 qua tỉnh Thanh Hóa
Khánh thành cầu Tam Bạc mới
Khởi công dự án 2004 tỷ đồng mở rộng QL1A
Cao tốc chạy nước rút để kịp thông xe
Động thổ dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt Hà Nội - TP. HCM
Nghệ An: Động thổ DA nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 535
Khánh thành cầu Chợ Gạo gỡ "nút thắt" cả giao thông thủy lẫn bộ
Những cây cầu độc đáo ở Đà Nẵng
Khởi công dự án mở rộng QL1A hơn 3.500 tỷ đồng
Nhật Bản cho Việt Nam vay 2,16 tỷ USD để thực hiện 12 dự án
Đà Nẵng khánh thành hai công trình kỷ lục thế giới
Tin tức
Những công trình nổi bật của TP HCM trong năm
13/12/2011 16:07 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Khánh thành hầm hiện đại nhất Đông Nam Á, thông xe toàn tuyến Đại lộ hiện đại nhất TP HCM, mở rộng đường ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè... là những kết quả mà ngành giao thông TP HCM làm được trong năm 2011.

Thủ Thiêm - hầm hiện đại nhất Đông Nam Á

Hầm Thủ Thiêm là hạng mục quan trọng nhất trong dự án xây dựng Đại lộ Đông Tây của TP HCM. Công trình hầm vượt sông Sài Gòn này có quy mô hiện đại nhất Đông Nam Á với chiều dài 1,49 km, rộng 33 m, cao 9 m gồm 6 làn xe lưu thông, mỗi bên 3 làn cho cả ôtô và xe máy. Ngoài ra còn có 2 làn đường thoát hiểm hai bên. Tốc độ thiết kế đạt 60 km/giờ.

Hầm Thủ Thiêm nối liền bờ quận 1 và quận 2 sẽ được đổi tên thành Đường hầm sông Sài Gòn. Ảnh: H.C.

Dự án hầm Thủ Thiêm được chính thức khởi công vào 2/2005 với việc xây dựng 2 hầm dẫn. Từ tháng 3/2010 đến tháng 6/2010, bốn đốt hầm dìm đã lần lượt được lai dắt từ bể đúc ở Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai vượt qua 22 km đường sông về đến khu vực Thủ Thiêm, lắp đặt nối kết thành công với hầm dẫn phía Thủ Thiêm, quận 2. Việc lai dắt 4 đốt hầm được thực hiện trong điều kiện khí tượng thủy văn vô cùng phức tạp, lòng sông có nơi chỉ sâu 10 m với nhiều khúc quanh co nguy hiểm, mỗi sơ suất nhỏ trong quá trình lai dắt có thể dẫn đến những hiểm họa khôn lường.

Bên cạnh đó, việc dìm và lắp đặt 4 đốt hầm, mỗi đốt có chiều dài 93 m, cao 9 m, nặng 27.000 tấn ở độ sâu 23-27 m dưới đáy sông Sài Gòn trong điều kiện dòng sông chảy xiết, không gian thao tác thi công chật hẹp. Nhất là đối với đốt hầm số 4, sai số cho phép nối kết, lắp đặt một số bộ phận của đốt hầm không được vượt quá 10 mm. Thời gian xử lý nhiều công đoạn phải tính bằng giây, quá trình dìm lắp đặt mỗi đốt hầm diễn ra liên tục từ 15 đến 20 tiếng với vô vàn tình huống kỹ thuật phức tạp.

Ngày 20/11, hầm Thủ Thiêm chính thức được thông xe. Từ nay người dân đi từ bờ quận 1 sang bờ quận 2 mất chưa đầy 3 phút. Hơn nửa tháng sau, tại kỳ họp thứ 3, HĐND TP HCM đã thống nhất đổi tên hầm Thủ Thiêm thành Đường hầm sông Sài Gòn

Đại lộ Đông Tây hiện đại nhất TP HCM

Khởi công ngày 31/1/2005, đại lộ Đông Tây xẻ dọc thành phố, được ví như "con rồng" uốn lượn nối từ Đông sang Tây Sài Gòn. Ngày 2/9/2009, con đường chính thức được thông xe giai đoạn 1 dự án, tuyến dài hơn 13 km tính từ nút giao quốc lộ 1A (huyện Bình Chánh) tới cầu Calmet, quận 1.

Đại lộ Đông Tây dài 22 km uốn lượn dọc thành phố nối liền phía đông và phía tây bằng một trục đường duy nhất. Ảnh: H.C.

Cùng với việc khánh thành hầm Thủ Thiêm, ngày 20/11/2011 đoạn Đại lộ Đông Tây còn lại cũng được đưa vào sử dụng. Toàn bộ Đại lộ dài 22 km được thông xe toàn tuyến, kết nối phía Đông và phía Tây của TP HCM bằng một trục đường duy nhất với chưa đầy 30 phút chạy xe.

Trong quá trình thực hiện, các hạng mục công trình của dự án đã sử dụng khoảng 61.000 tấn thép, 450.000 m3 bê tông, đào đắp 3 triệu m3 đất, xây dựng hơn 1 triệu m2 diện tích mặt đường. Hơn 1.500 cán bộ tham gia thực hiện dự án với tổng cộng 5,1 triệu ngày công, trên 400 chuyên gia trong nước và quốc tế đã tham gia với hơn 7,4 nghìn ngày công để nghiên cứu, thiết kế và triển khai thực hiện dự án.

Toàn bộ tuyến Đại lộ Đông - Tây TP HCM sau khi được thông xe đưa vào khai thác, sử dụng sẽ rút ngắn thời gian đi lại của người dân thành phố, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. Đây còn là con đường ngắn nhất nối kết giữa thành phố hiện hữu với bán đảo Thủ Thiêm, tạo tiền đề phát triển khu đô thị phía Đông của thành phố. Nhờ có dự án, đô thị thành phố được chỉnh trang, vệ sinh môi trường được cải thiện, chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao.

Thay áo mới cho dòng kênh bẩn nhất Sài Gòn - Kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè

Dự án cải tạo, mở rộng đường ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (cuối đường Út Tịch, quận Tân Bình) đến cầu Lê Văn Sỹ, quận 3 với chiều dài khoảng 5 km được khởi công vào 9/2010.

Đường ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sau khi được nâng cấp, mở rộng. Ảnh: H.C.

Công trình cải tạo mặt đường ven kênh lên 9 m mỗi bên với 3 làn xe, lắp đặt hệ thống chiếu sáng mới, trồng thêm nhiều cây xanh, đóng kè "lá sen" bằng bê tông xuống độ sâu hàng chục mét dọc hai bên bờ kênh nhằm định hình dòng chảy, chống sạt lở cho tuyến kênh... Đôi bờ kênh Nhiêu Lộc đã được khoác một diện mạo mới.

Hiện 2 tuyến đường ven kênh đã hoàn thành và thông xe góp phần giải quyết tình trạng kẹt xe cho các trục đường cửa ngõ chính của thành phố như Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Trỗi, Cách Mạng Tháng 8…

Trong tháng 12 này, Khu 1 sẽ tiếp tục khởi công dự án nâng cấp đường ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đoạn từ cầu Lê Văn Sỹ đến đường Nguyễn Hữu Cảnh với số vốn hơn 400 tỷ đồng.

Thông xe nút giao thông Gò Dưa, giảm tải điểm đen tai nạn giao thông

Cầu vượt Gò Dưa nằm trên tuyến đường Xuyên Á - quốc lộ 1A (quận Thủ Đức) là dự án quan trọng nằm trên trục giao thông huyết mạch (vành đai 2). Dự án được khởi công vào năm 2004, với số vốn đầu tư 189 tỷ đồng. Đến tháng 5/2005, phần cầu vượt đã cơ bản hoàn tất. Tuy nhiên, dự án bị đình trệ vào đầu năm 2006 do hết thời hạn vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á và do vướng giải tỏa nên đã kéo dài hơn 5 năm qua và bị người dân gọi là "cầu dây dưa". Ngày 19/4 năm nay, dự án được tái khởi động.

Ngày 26/11, Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 TP HCM, chủ đầu tư dự án đã cho thông xe giai đoạn một, nút giao thông cầu Gò Dưa trên tuyến đường Xuyên Á - quốc lộ 1A (quận Thủ Đức) sau sáu năm cầu này bị bỏ hoang.

Theo đó, cho phép tất cả các loại xe có trọng tải từ 5 tấn trở xuống lưu thông qua cầu. Ông Vũ Kiến Thiết, giám đốc Khu 2, đơn vị được giao đại diện chủ đầu tư cho biết sẽ phấn đấu gấp rút hoàn thành công trình trước ngày 31/12 cho tất cả các loại xe lưu thông giảm phần giảm ùn tắc và nguy cơ tai nạn cho "điểm đen" giao thông này.

Cầu Phú Long: Nối TP HCM và Bình Dương giảm tải cho quốc lộ 13

Cầu Phú Long được khởi công vào tháng 11/2008 do Khu Quản lý Giao thông đô thị số 3 làm chủ đầu tư, có tổng vốn đầu tư hơn 700 tỷ đồng với tổng chiều dài khoảng 600 mét, rộng 26 mét dành cho 6 làn xe lưu thông. Cầu Phú Long nối quận 12 (TP HCM) với tỉnh Bình Dương, cầu được xây dựng nhằm giải quyết ùn tắc giao thông trên quốc lộ 13, góp phần phát triển kinh tế xã hội của 2 địa phương.

Những ngày này dự án đang được gấp rút triển khai các hạng mục cuối. Ông Trần Ngọc Hổ, Chủ tịch UBND quận 12 cho biết, công trình đang thi công đúng theo tiến độ, dự kiến sẽ kịp đưa vào sử dụng trước 31/12 năm nay.

Nguồn: VnExpress

Các tin đã đăng:
© 2009 -2024An Sơn JSC. Địa chỉ: Số 460, Đường Lê Văn Việt, Khu phố 2, phường Tăng Nhơn Phú A, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh. E-Mail: congtycpanson@gmail.com
Powered by Sacomtec Corp.bản đồ bằng gỗ 3d