Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Liên danh tư vấn thiết kế kỹ thuật JKT (Nhật Bản) vừa đề xuất Bộ GTVT và UBND Thành phố Hà Nội xây dựng cầu Long Biên 2.
|
Cầu Long Biên 2 được mô phỏng. |
Theo đó, vị trí xây dựng cầu Long Biên 2 sẽ cách cầu Long Biên cũ 186m về phía thượng lưu. Cầu này nằm trong tuyến đường sắt Yên Viên đến Ngọc Hồi có tổng chiều dài 25km với 16 ga.
Cầu Long Biên mới được xây dựng với 2 làn đường sắt đô thị chạy giữa, hai bên có làn xe máy, xe đạp, phương tiện thô sơ. Người bộ hành vẫn đi ở hai bên cầu.
Theo Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi, cầu Long Biên cũ sẽ được các cơ quan Hà Nội bảo tồn, vẫn dành cho xe buýt, du lịch, xe con, xe đạp, thô sơ và người bộ hành, với kết cấu cầu phần trên (dầm thép) được làm mới kết hợp sửa chữa, đảm bảo khả năng chịu lực, đáp ứng yêu cầu giao thông hiện tại và lâu dài.
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng đang tính phương án sẽ nâng toàn bộ cầu Long Biên cao thêm 3m. Tiếp tục sử dụng lại toàn bộ 18 trụ cùng 2 mố cũ của cầu (không sử dụng các trụ tạm)…
Cầu Long Biên trước đây có tên là cầu Paul Doumer – tên của Toàn quyền Pháp đã đề xuất việc xây dựng cây cầu này. Nhưng dân gian thường gọi cây cầu này là cầu Bồ Đề vì bắc sang làng Bồ Đề hoặc cầu Gia Lâm vì bắc sang huyện Gia Lâm... Cầu Long Biên là tên mới đặt sau Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Đây là cầu thép đầu tiên của Hà Nội, được khởi công xây dựng vào tháng 9/1898, do hãng Daydé-Pillié thiết kế và thi công. Cầu được khánh thành tháng 2/1902.
Cầu chính qua sông dài 1.682m và cầu dẫn dài 896m, gồm 19 nhịp đặt trên 20 trụ cao hơn 40m (kể cả móng). Cầu chia thành 9 khung khổng lồ, mỗi khung dài 61m. Giữa là đường xe lửa, hai bên là đường đi bộ.
Đến nay, cầu cơ bản không thay đổi về kết cấu, trừ những đoạn bị tàn phá trong chiến tranh phá hoại của Mỹ. Sau Hiệp định Paris, qua 41 ngày đêm sửa chữa, ngày 4/3/1973, chuyến tàu đầu tiên lại vượt sông Hồng.
KTĐT