Sáng 13/12/2013 tại TP Cần Thơ, Bộ GTVT đã tổ chức Hội nghị sơ kết Dự án phát triển CSHT giao thông ĐBSCL (dự án WB5) - giai đoạn I. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị còn có Trung tướng Trần Phi Hổ - Phó ban chỉ đạo Tây Nam bộ, đại diện Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, Cơ quan hợp tác phát triển Australia và lãnh đạo 13 tỉnh khu vực ĐBSCL.
Dự án WB5 sử dụng vốn vay ưu đãi của WB và vốn viện trợ của Cơ quan hợp tác phát triển Australia ủy thác qua WB. Mục tiêu của dự án là cải thiện hệ thống CSHT giao thông đường bộ, đường thủy, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến thị trường tiêu thụ. Từ đó góp phần tích cực vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển KT-XH. Tổng mức đầu tư của dự án ban đầu là 312,02 triệu USD.
|
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phát biểu chỉ đạo hội nghị. |
Dự án được thực hiện từ tháng 4/2008, đến nay tiến độ các gói thầu cơ bản đáp ứng yêu cầu. Cụ thể, với hợp phần A: gồm nâng cấp các tuyến QL53, QL54, do PMU1 quản lý hiện đã cơ bản hoàn thành. Riêng QL91 có một số điều chỉnh về tổng mức đầu tư sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
Hợp phần B do Ban quản lý các dự án ĐTNĐ phía Nam (PMU-SIW) quản lý. Với các gói thầu thuộc hành lang đường thủy số 2, đang thực hiện 12 hợp đồng với tổng giá trị 94,47 triệu USD. Các gói thầu thuộc hành lang đường thủy số 3 cũng đang trình duyệt TKKT và dự toán công trình.
Với Hợp phần C do các tỉnh quản lý, đã triển khai thi công 32 gói thầu xây lắp. Hiện các công trình thuộc 7 tỉnh An Giang, Bến Tre, Hậu Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Sóc Trăng và Vĩnh Long đã hoàn thành. Các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Long An, Trà Vinh và TP.Cần Thơ cũng đã khởi công các gói thầu.
Trung tâm hỗ trợ vùng (C3ii), trong giai đoạn 1 cũng đã hoàn thành 17 khóa đào tạo. Giai đoạn 2 sẽ có 16 khóa đào tạo, đảm bảo theo tiến độ đề ra hoàn thành trước tháng 5/2013. Hợp phần D do PMU-SIW quản lý, về cơ bản đã hoàn thành báo cáo khởi đầu, các nhiệm vụ khác đang triển khai theo tiến độ đề ra. Lúc đầu dự án dự kiến kết thúc vào năm 2013 nhưng do nhiều yếu tố khách quan nên nhà tài trợ đã đồng ý kéo dài thời gian thực hiện dự án đến năm 2016 và nâng tổng mức đầu tư lên 404,57 triệu USD.
|
Dự án WB5 đã giúp các địa phương ĐBSCL xây dựng hệ thống giao thông kết nối liên vùng |
Ông Đào Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ đánh giá, dự án WB5 đã góp phần thay đổi diện mạo hệ thống hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và toàn vùng. Trong khi đó, Trung tướng Trần Phi Hổ - Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ thì nhấn mạnh, dự án WB5 đã đem lại những tác động tích cực dù chỉ mới hoàn thành giai đoạn 1. Nhưng quan trọng là các địa phương, chủ đầu tư phải tính đến việc quản lý sau dự án để phát huy hiệu quả hơn.
Đại diện cho nhà tài trợ, ông Hoàng Anh Dũng - Giám đốc dự án WB5 đánh giá, dù triển khai có chậm trễ nhưng WB đánh giá đây là một dự án thực hiện tốt cả về tiến độ thi công các công trình và giải ngân. “Dự án WB5 được Ngân hàng Thế giới đánh giá là dự án điểm, nổi bật trong việc thực hiện công tác xã hội, môi trường”.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh, WB5 là dự án lớn, diện rộng với 15 đại diện làm chủ đầu tư. Nhưng các chủ đầu tư đã có sự phối hợp chặt chẽ với địa phương, nhà tài trợ trong quá trình thực hiện. “Đây là dự án đúng, trúng, kịp thời với nhu cầu bức thiết của người dân”. Thứ trưởng biểu dương sự nỗ lực của chủ đầu tư, các tỉnh trong vùng dự án, nhất là trong công tác GPMB, đã góp phần vào thành công của dự án.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những tồn tại như công tác quản lý dự án, lập dự án, thiết kế kỹ thuật... lúc đầu chưa tốt nên phải nhiều lần điều chỉnh. Những vấn đề này cần rút kinh nghiệm để trong giai đoạn tới của dự án được thực hiện tốt hơn. Đại diện cho Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng cam kết với các nhà tài trợ sẽ luôn theo sát dự án để đảm bảo về tiến độ, đạt chất lượng, hiệu quả của các công trình được xây dựng.
Nguồn: Giaothongvantai.com.vn