Cụm từ kiến trúc xanh đã không còn xa lạ đối với người Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư, kiến trúc sư và cả xã hội chưa nhận thức được giá trị thật sự của những công trình này mang lại. Thêm vào đó, chi phí xây dựng và thiết kế theo tiêu chí “xanh” hiện nay cũng có phần cao hơn các công trình khác, nên việc phát triển các công trình xanh chưa được quan tâm đúng mức.
Kiến trúc xanh và các mảng cây xanh trên đường sẽ nâng cao chất lượng môi trường sống. Ảnh: HUY ANH
Nâng cao nhận thức của cộng đồng
Xác định kiến trúc xanh sẽ là một xu hướng tất yếu trong tương lai đối với không gian đô thị cũng như các công trình xây dựng, cuộc triển lãm VietArc năm 2012 do Hội Kiến trúc sư TPHCM tổ chức tại TPHCM mới đây lấy kiến trúc xanh làm chủ đề chính.
Phát biểu tại VietArc 2012, Giám đốc Sở QH-KT TPHCM Trần Chí Dũng cho biết, hiện nay ngành xây dựng trên toàn thế giới tiêu thụ tới 3/4 năng lượng. Trong đó tiêu tốn 17% nước sạch, 28% lượng gỗ, thải ra môi trường 25% khí CO2… Do vậy, việc phát triển các công trình kiến trúc xanh là xu hướng tất yếu và cần thiết phải thực hiện ngay.
Dĩ nhiên, Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc. Từ các buổi hội thảo liên quan đến kiến trúc xanh trong khuôn khổ VietArc 2012 cho thấy, hiện nay kiến trúc xanh rất cần thiết trong việc phát triển đô thị nói chung và các công trình xây dựng, nhà ở nói riêng.
Theo các nghiên cứu, một trong những nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu là việc tiêu thụ năng lượng quá lớn từ các công trình xây dựng vì các công trình xây dựng chiếm khoảng 35 – 40% việc tiêu thụ năng lượng toàn cầu và cũng phát thải khoảng 37% khí nhà kính.
Chính vì thế, việc phát triển kiến trúc xanh để tạo ra các công trình xanh có tác dụng rất lớn trong việc sử dụng tài nguyên một cách có hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính và xa hơn nữa là giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư chưa nhận thức được giá trị thật sự những công trình này mang lại. Thêm vào đó, chi phí xây dựng cũng có phần cao hơn các công trình khác, nên vấn đề “xanh” chưa được quan tâm đúng mức.
Thực tế được các KTS phản ánh, để thuyết phục các chủ đầu tư làm công trình kiến trúc xanh rất khó. Bởi lẽ, các chủ đầu tư đều muốn làm sao để xây dựng những chung cư cao tầng với chi phí thấp nhất và có lợi nhuận cao nhất. Trong khi đó, việc thiết kế xây dựng công trình theo hướng kiến trúc xanh có thể có giá thành cao hơn khoảng 30 – 40%. Chính vì vậy, việc xây dựng các công trình theo tiêu chí kiến trúc xanh ở Việt Nam vẫn chưa nhiều, ngay cả khi Quy chuẩn xây dựng của Việt Nam cũng đã đề cập đến mục tiêu tăng cường các giải pháp thiết kế và kỹ thuật để sử dụng hiệu quả năng lượng trong công trình xây dựng.
Chính vì thế, các chuyên gia trong ngành cho rằng, để kiến trúc xanh trở nên phổ biến và phát triển rộng rãi tại các đô thị Việt Nam, cần thiết phải có sự chung tay từ nhiều phía. Đó là sự định hướng của Nhà nước và nhất thiết phải quy định thành luật. Cần phải có sự quan tâm của nhà đầu tư trong việc lựa chọn công nghệ, các vật liệu xanh nhằm bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, một yếu tố không thể thiếu đó là cần sự thay đổi tư duy thiết kế của các kiến trúc sư và điều quan trọng nhất đó là sự thay đổi nhận thức của cộng đồng xã hội để từ đó mọi người đều có trách nhiệm trong việc giữ gìn môi trường sống, tiết kiệm tối đa sử dụng tài nguyên.
Tiêu chí “hướng Việt”
Khi nhắc đến kiến trúc xanh, rất nhiều người nghĩ rằng chỉ dành cho các nước phát triển và những người giàu. Tuy nhiên, từ những công trình được Hội Kiến trúc sư Việt Nam công bố và trao giải trong tháng 4-2012 vừa qua đã đưa ra một thông điệp: kiến trúc xanh Việt Nam phát triển phù hợp với điều kiện của nền kinh tế đất nước.
Theo KTS Phạm Thanh Tùng, không thể đòi hỏi mọi nhà phải sử dụng pin mặt trời, công trình nào cũng xây dựng bằng vật liệu thân thiện môi trường, có hệ thống xử lý để tái sử dụng nước thải… Nhưng không vì thế ngay từ bây giờ, chúng ta không bắt đầu xây dựng một nền kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững mang bản sắc riêng và phù hợp với hoàn cảnh của đất nước mình.
Kiến trúc Việt Nam hôm nay phải biết tận dụng kinh nghiệm của kiến trúc truyền thống mà cha ông đã để lại. Phải biết tận dụng hướng gió mát về mùa hè, tránh gió lạnh về mùa đông. Trên các đường phố, hay mỗi khu nhà phải tạo ra những mảng cây xanh, mặt nước để cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống. Hãy biết khai thác tối đa yếu tố khí hậu nhiệt đới gió mùa để hạn chế sử dụng máy điều hòa nhiệt độ.
Những khu đô thị đã được Hội Kiến trúc sư Việt Nam bình chọn và trao giải Công trình Kiến trúc xanh như khu đô thị mới Ecopark (Văn Giang-Hưng Yên) Vincom Village (Long Biên - Hà Nội) hay Phú Mỹ Hưng (TPHCM) ở phía Nam là những ví dụ sinh động và đầy sức thuyết phục về một hướng phát triển kiến trúc bền vững, kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái mang bản sắc Việt Nam.
Tại buổi công bố kết quả tuyển chọn Công trình Kiến trúc xanh Việt Nam năm 2012 do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn cho rằng, nhiều người hiểu lầm kiến trúc xanh là sử dụng nhiều cây xanh, có một số người cho rằng kiến trúc xanh là xu hướng dành cho người giàu, cho những nước giàu nhưng không phải vậy.
Theo KTS Nguyễn Tấn Vạn, kiến trúc xanh là làm cho đời sống của chúng ta tốt hơn, hạn chế và chống lại sự hủy hoại môi trường. Nhiều nước trên thế giới có hội đồng kiến trúc xanh riêng với những tiêu chí khác nhau. Việt Nam nghiên cứu tiêu chí kiến trúc xanh trong hoàn cảnh của mình, phải đặt ra sự kết hợp giữa công nghệ và những giải pháp thông minh, những kinh nghiệm truyền thống và tinh thần hướng về thiên nhiên.
Nguồn: sggp.org.vn