Trong xu
thế toàn ngành sản xuất vật liệu xây đang hướng đến các mục tiêu phát
triển công nghệ gạch không nung với rất nhiều ưu điểm thì đến cuối năm
2009, trên địa bàn Hà Nội vẫn tồn tại khoảng 1.250 lò gạch thủ công các
loại, chưa kể một số lò hoạt động theo mùa vụ với tổng sản lượng khoảng
800 triệu viên/năm. Cùng với đó tình trạng tận dụng đất đào ao, hạ cốt
ruộng vẫn tiếp tục tồn tại bất chấp nỗ lực của chính quyền địa phương
trong việc thực hiện QĐ15 của Bộ Xây dựng về việc xóa bỏ sản xuất gạch
ngói bằng phương pháp thủ công lạc hậu, tiến tới sản xuất gạch không
nung bằng công nghệ tiên tiến.
Gạch không nung chưa được quan
tâm đúng mức.
Cả
gạch tuynel và VLXKN đều chưa đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng
Như vậy, đây thực
sự là một thách thức đặt ra với công tác quản lý nhà nước trên địa bàn
thành phố, bởi chính Quy hoạch phát triển công nghiệp VLXD Hà Nội đến
năm 2020 và các văn bản quy định về quản lý đầu tư sản xuất gạch ngói
nung của địa phương đều chỉ rõ: Dứt khoát xóa bỏ các lò gạch ngói sản
xuất thủ công, lạc hậu; ưu tiên phát triển công nghệ lò tuynel với điều
kiện cải tiến công nghệ theo hướng tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và
bảo đảm tiêu chuẩn về môi trường. TP khuyến khích và chỉ đạo các tổ chức
cá nhân hiện đang sản xuất gạch tuynel và gạch thủ công đầu tư chuyển
đổi sang sản xuất vật liệu xây không nung (VLXKN)…
Để tiến tới thực
hiện các mục tiêu trên, bên cạnh việc phối hợp với các sở ban ngành kiên
quyết không cho phép đầu tư lò gạch ngói thủ công mới, Sở Xây dựng Hà
Nội xúc tiến việc lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc sản xuất
gạch, ngói tại các địa phương trên địa bàn. Qua đó, những nguyên nhân cả
chủ quan và khách quan khiến tình trạng sản xuất gạch thủ công vẫn có
“đất diễn” đã được chỉ ra: Tốc độ đô thị hóa cao nên nhu cầu vật liệu
xây, ngói lợp rất lớn; trong khi đó sản lượng gạch tuynel mới chỉ đáp
ứng được hơn một nửa nhu cầu xây dựng và một số nhà máy sản xuất gạch
tuynel lại vừa trải qua tiến trình chuyển đổi sản xuất như nhà máy gạch
Đại Thanh, Hữu Hưng, Tùng Phương… Nguồn cung gạch ngói từ các tỉnh lân
cận như Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên cũng bị hạn chế do cước
phí giao thông tăng cao đã đẩy giá đến mức thị trường khó chấp nhận.
Việc coi VLXKN là
“cứu cánh” đáp ứng nhu cầu vật liệu xây cũng chưa có nhiều hy vọng, bởi
toàn TP hiện mới có 7 cơ sở sản xuất gạch block xi măng - cốt liệu với
công suất 62 triệu viên, 4 cơ sở sản xuất công nghệ bê tông bọt nhẹ và
bê tông khí nhưng sản lượng cũng rất thấp - chỉ đạt 110 triệu viên QTC, 1
cơ sở sản xuất gạch block puzolan công suất 2 triệu viên/năm; các loại
vật liệu không nung khác như ngói không nung, tấm xây dựng cũng trong
tình trạng sản lượng không cao.
Các cơ sở sản xuất
nhỏ, các hộ tư nhân lại có vẻ… thích ứng và đáp ứng được nhu cầu xây
dựng cho nhân dân tại khu vực do có tới 40 cơ sở nằm rải rác trong các
địa bàn dân cư, công suất 1 dây chuyền vào khoảng 1 - 3 triệu viên/năm,
lại tận dụng được nguyên liệu tại chỗ và lao động nông nhàn nên giá
thành rẻ. Tuy nhiên đây chủ yếu là những sản phẩm cấp thấp, chủ yếu sử
dụng vào việc xây dựng tường rào, chuồng trại và nhà thấp
tầng là chính nên không thể coi đây là nguồn “cứu cánh” về vật liệu xây
trong tương lai.
Chính vì những
nguyên nhân này, có thể mạnh dạn kết luận rằng, nếu thiếu nguồn gạch thủ
công thì việc đáp ứng nhu cầu vật liệu xây trên địa bàn Hà Nội còn khó
khăn hơn nữa. Đây là một sự thật mà các nhà quản lý cần nhìn nhận thật
thẳng thắn. Hy vọng đó cũng là động lực để cấp quản lý đưa ra những
quyết định mang tính đột phá mạnh mẽ hơn nữa trong việc cùng lúc bảo đảm
thực hiện 2 mục tiêu: Xóa bỏ lò gạch thủ công, khuyến khích phát triển
VLXKN.
Định hướng
và những giải pháp đột phá về VLXKN
Như vậy, để đáp ứng
nhu cầu VLXD cung cấp cho các công trình xây dựng trên địa bàn, trước
mắt Hà Nội vẫn phải duy trì sản xuất gạch ngói đất sét
nung truyền thống, vừa phát triển VLXKN theo những định hướng chiến lược
mạnh bạo và quyết liệt hơn. Được biết lãnh đạo Sở Xây dựng đã chỉ đạo
Viện Khoa học công nghệ và Kinh tế Xây dựng Hà Nội tập trung thực hiện
các dự án, đề tài khoa học có tính thực tiễn như: xây dựng quy trình
công nghệ dùng đất đồi Sóc Sơn thay thế sử dụng đất canh tác để sản xuất
gạch; Nghiên cứu công nghệ sản xuất bê tông bọt ứng dụng cho việc xây
dựng nhà cao tầng tại các KĐT mới Hà Nội; nghiên cứu các giải pháp vật
liệu kết cấu thi công tường nhẹ trong các chung cư xây mới mà kết quả
của nó cũng là tiền đề tạo điều kiện đẩy mạnh việc phát triển sản xuất
và sử dụng VLXKN trên địa bàn Thủ đô.
Dự kiến về chủng
loại VLXKN , tỷ lệ gạch block xi măng - cốt liệu vào khoảng 70%, gạch
block nhẹ, bê tông nhẹ khoảng 25%, các loại gạch khác như đá ong, đá
chẻ, gạch đất puzolan, gạch từ đất đồi và phế thải, gạch silicat chiếm
khoảng 5% tổng số sản lượng VLXKN. Về quy mô đầu tư, dự kiến khuyến
khích các dây chuyền công nghệ tiên tiến có công suất 7 - 40 triệu
viên/năm, trong giai đoạn tiếp theo sẽ mở rộng căn cứ theo nhu cầu thị
trường. Tuy nhiên các cấp huyện cũng cần đầu tư từ 1 - 2 cơ sở sản xuất
gạch không nung công suất nhỏ (1 - 2 triệu viên/năm) với công nghệ thiết
bị do các DN cơ khí trong nước chế tạo để đáp ứng nhu cầu trực tiếp và
gắn với mức sống của nhân dân trên địa bàn.
VLXKN là một ngành
sản xuất cần kíp để đáp ứng yêu cầu xây dựng của Thủ đô, nhưng do công
tác thị trường còn khó khăn nên mục tiêu hiện nay đặt ra cũng hết sức
khiêm tốn: Phấn đấu đến 2015 sản lượng VLXKN chiếm từ 20 - 25%; và năm
2020 là 30 - 40%. Để đạt mục tiêu đó, Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị UBND
TP áp dụng nhóm cơ chế chính sách đặc biệt quan trọng để định hướng thị
trường, trong đó nhấn mạnh các vấn đề quan trọng như: Hạn chế sử dụng
đất canh tác sản xuất gạch ngói đất sét nung, tăng cường bắt buộc sử
dụng VLXKN vào công trình ngay từ khâu lập dự án đầu tư và thiết kế; tạo
cơ chế chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư sản xuất VLXKN nói riêng
và VLXD không nung nói chung. Quy hoạch ngay vùng nguyên liệu, vùng sản
xuất VLXD trong đó có vật liệu không nung thay thế vật liệu nung truyền
thống..v.v.
Theo báo xây dựng