Ngày 29/8, cầu Năm Căn - cây cầu cuối cùng trên tuyến đường Hồ Chí Minh sẽ được khởi công xây dựng. Đây sẽ là cây cầu đưa đường Hồ Chí Minh về với mảnh đất tận cùng của Tổ quốc, nối liền hai huyện Năm Căn và Ngọc Hiển, phá thế ốc đảo cho Ngọc Hiển - huyện duy nhất của Đồng bằng sông Cửu Long chưa có đường ô tô đến trung tâm.
Trao đổi với phóng viên Báo GTVT, ông Phạm Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, cầu Năm Căn không những là một công trình trọng điểm trong tổng thể các dự án thành phần giai đoạn 2 của đường Hồ Chí Minh, mà còn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Cà Mau.
|
Phối cảnh cầu Năm Căn |
“Trước đây, trong quy hoạch chung của toàn dự án, cầu Năm Căn dự kiến sẽ được triển khai vào giai đoạn 3, nghĩa là phải sau năm 2013 mới tiến hành. Việc nối thông đường Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2 giữa Năm Căn và Ngọc Hiển sẽ được triển khai bằng phà vượt sông Cửa Lớn. Tuy nhiên, do vị trí quan trọng cũng như ý nghĩa to lớn của cầu Năm Căn đối với Cà Mau nói riêng và toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT ưu tiên đưa dự án thành phần này vào giai đoạn 2”- ông Sơn cho biết.
Cuối tháng 2/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản 238/TTg-KTN cho phép triển khai ngay Dự án đầu tư xây dựng cầu Năm Căn thuộc Dự án đường Hồ Chí Minh, đảm bảo hoàn thành trước năm 2015 theo tiến độ đường Hồ Chí Minh để thông tuyến từ Pắc Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (tỉnh Cà Mau) 2 làn xe. Thủ tướng Chính phủ đồng ý UBND tỉnh Cà Mau ứng vốn để thực hiện công tác GPMB dự án theo tiến độ và bổ sung dự án vào danh mục trái phiếu giai đoạn 2012 - 2015. Bộ GTVT phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện theo quy định và bố trí vốn cho dự án, hoàn lại cho tỉnh Cà Mau theo quy định. Trước mắt bố trí vốn từ nguồn dự phòng vốn trái phiếu Chính phủ năm 2012 để thực hiện.
Cầu Năm Căn sẽ do Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Đại diện chủ đầu tư là Ban QLDA đường Hồ Chí Minh. Điểm đầu dự án tại lý trình km8+500 đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi, thuộc xã Lân Hải, huyện Năm Căn. Điểm cuối tại km11+890, xã Viên An Đông huyện Ngọc Hiển. Toàn bộ dự án có chiều dài 3.390m, trong đó, chiều dài cầu là 890m và 2 đường dẫn 2.500m. Đường dẫn sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, nền đường rộng 12m, mặt 11m. Tốc độ thiết kế 80km/h. Phần cầu thiết kế quy mô vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Khổ cầu phù hợp với bề rộng nền đường 12m. Khổ thông thuyền: tĩnh không đứng 10m, tĩnh không ngang 80m. Tổng mức đầu tư dự án gần 650 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Thời gian hoàn thành dự án dự kiến chỉ gói gọn trong 18 tháng kể từ ngày khởi công.
|
|
Toàn bộ dự án xây dựng cầu Năm Căn được chia làm 4 gói thầu chính. Trong đó, gói 5B xây dựng nhịp cầu dẫn, nhịp chính phía Ngọc Hiển sẽ do Cienco 4 đảm nhận. Giá chỉ định thầu khoảng gần 195 tỷ đồng. Gói 4A xây dựng đường dẫn đầu cầu phía Năm Căn do nhà thầu Công ty TNHH Thiên Tân thi công với giá trị hơn 26 tỷ đồng. Gói thàu 5A xây dựng đường dẫn đầu cầu phía Ngọc Hiển do Cienco1 thực hiện với giá trị hơn 57 tỷ đồng. Gói thầu chính cuối cùng là 4B xây dựng nhịp cầu dẫn và nhịp chính phía Năm Căn với giá chỉ định thầu hơn 295 tỷ đồng do Liên danh Cienco 1 - Cienco 6 thi công.
Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, Cầu Năm Căn nằm trong tổng thể các dự án thành phần giai đoạn 2 của đường Hồ Chí Minh. Đây là công trình đặc biệt có ý nghĩa đối với Cà Mau nói riêng và các tỉnh miền Tây Nam bộ nói chung, bởi đây là cây cầu vượt sông Cửa Lớn nối liền hai huyện Năm Căn và Ngọc Hiển, đồng thời cũng là điểm nối đưa đường Hồ Chí Minh về với mảnh đất tận cùng của Tổ quốc. Bộ GTVT chịu trách nhiệm chỉ định cho các doanh nghiệp của Bộ và của địa phương có đủ năng lực kỹ thuật cũng như khả năng tài chính để thi công. Trong số đó, các Cienco 1, 4, 6 đều là những đơn vị đã từng đảm trách và thi công hiệu quả nhiều cầu trong khu vực như: Đầm Cùng, Hàm Luông,... Để xứng đáng là công trình quan trọng quốc gia mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong quá trình triển khai dự án, Bộ GTVT mong nhận được sự quan tâm của UBND tỉnh Cà Mau, các huyện và nhân nhân nơi công trình đi qua, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác GPMB để các nhà thầu phấn đấu rút ngắn thời gian thi công, sớm đưa công trình vào khai thác.
Đường Hồ Chí Minh là tuyến xuyên Việt thứ 2 sau QL1A. Do vị trí quan trọng và ý nghĩa to lớn của tuyến đường đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nên Quốc hội khóa XI đã thông qua Nghị quyết là công trình quan trọng Quốc gia và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể. Sau khi hoàn thành dự án, đường Hồ Chí Minh sẽ cùng với QL1A, vừa giữ vai trò là trục xương sống Bắc - Nam, vừa tạo thế liên hoàn vững chắc để phát triển hệ thống đường ngang, các trục hành lang Đông - Tây, nối thông các vùng miền của Tổ quốc. Tuyến đường cũng gắn với hệ thống cảng biển, sân bay, đường sắt, đường sông, các trung tâm kinh tế, công nghiệp, văn hóa, du lịch, vườn Quốc gia, khu bảo tồn, cùng với đường xuyên Á sẽ tạo ra sự thông thương với các nước láng giềng, bạn bè quốc tế. Theo phạm vi quy hoạch, đường Hồ Chí Minh sẽ đi qua địa phận của 28 tỉnh, thành phố. Chiều dài toàn tuyến 3.167km. Trong đó, tuyến chính dài 2.499km, tuyến nhánh phía Tây 684km. Đến nay, giai đoạn 1 của dự án dài 1.350km từ Hòa Lạc - Tân Cảnh đã cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng. Giai đoạn 2 đang được triển khai để phấn đấu nối thông toàn tuyến với quy mô 2 làn xe vào năm 2015. |
Nguồn: Giaothongvantai.com.vn