Sáng 12-6, Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP.HCM đã làm việc với Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) về tiến độ đầu tư các cảng biển, cảng sông và khu công nghiệp phụ trợ.
|
Cảng Phú Hữu, khu phố 4, P.Phú Hữu, Q.9, TP.HCM hoang vắng không một bóng người (ảnh chụp sáng 12-6) - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Ông Nguyễn Hồng Anh - tổng giám đốc Samco - nói: “Cảng Phú Hữu (Q.9) đã đầu tư giai đoạn 1 hơn 367 tỉ đồng nay không có con tàu nào ra vào cảng, tôi thấy đứt ruột vì vốn đầu tư nằm đó mà cảng không hoạt động”. Tương tự, cảng sông Phú Định, Q.8 đã được Samco đầu tư 398 tỉ đồng với diện tích 50ha (đã đền bù giải tỏa) đến nay vẫn chưa phát huy hiệu quả.
Do thiếu đường kết nối
Samco xây dựng cảng Phú Hữu giai đoạn 1 vào năm 2007-2009, trong đó xây dựng cầu tàu cho tàu biển có trọng tải đến 36.000 tấn cập cảng và bãi container, kho hàng có diện tích 24ha. Nay cảng Phú Hữu không hoạt động thì không thể thực hiện mục tiêu đầu tư xếp dỡ 4 triệu tấn hàng hóa/năm.
Nguyên nhân cảng Phú Hữu không hoạt động là do chưa có đường kết nối từ cảng này với hệ thống giao thông đường bộ. Theo ông Nguyễn Ngọc Thảo - phó tổng giám đốc cảng Bến Nghé (chủ đầu tư cảng Phú Hữu, trực thuộc Samco), mới đây Nhà máy ximăng Hà Tiên đã đầu tư BOT (đầu tư, kinh doanh và chuyển giao) xây dựng tuyến đường nối từ cảng Phú Hữu và Nhà máy ximăng Hà Tiên (cạnh cảng Phú Hữu) ra đường Nguyễn Duy Trinh (Q.9) dài 1,7km với kinh phí đầu tư 300 tỉ đồng, dự kiến cuối năm 2012 thông xe giai đoạn 1.
Thế nhưng, dù có tuyến đường này thì xe container cũng khó ra vào cảng Phú Hữu vì đường Nguyễn Duy Trinh quá hẹp và đi qua khu dân cư đông đúc. Ngoài ra, TP vẫn chưa có dự án và vốn đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ Nguyễn Duy Trinh ra xa lộ Hà Nội, dài khoảng 800m. Như vậy dù có tuyến đường nối từ cảng Phú Hữu ra đường Nguyễn Duy Trinh thì xe ra vào cảng vẫn bị “ách” ở đoạn từ Nguyễn Duy Trinh ra xa lộ Hà Nội.
Tháng 9-2011, Samco đưa cảng Phú Định vào sử dụng giai đoạn 1 với diện tích 10 ha, trong đó đã xây dựng hoàn chỉnh 11 cầu tàu cho tàu, ghe, sà lan có trọng tải 300-375 tấn cập bến và hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh gồm đường nội bộ, bãi hàng, nhà kho, hệ thống điện, cấp thoát nước chiếu sáng. Thế nhưng cảng Phú Định vẫn không có tàu cập cảng vì các đường Hồ Học Lãm, An Dương Vương kết nối vào cảng quá hẹp và thường xuyên ngập nước do triều cường, mưa, không thuận lợi cho xe tải ra vào vận chuyển hàng hóa.
Trách nhiệm của ai?
Theo ông Nguyễn Hồng Anh, Samco quyết định năm 2012 tạm dừng đầu tư giai đoạn 2 xây dựng cảng Phú Hữu, dù Samco đã hoàn thành các thủ tục đầu tư cảng này theo chủ trương của UBND TP và góp ý thiết kế cơ sở của Sở Giao thông vận tải TP. Đồng thời, để tạo hiệu quả cho cảng Phú Định hoạt động, Samco đề nghị TP chỉ đạo các quận, huyện và cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra xử lý, cấm các tàu neo đậu tại kênh Tàu Hủ để đưa các phương tiện này vào cảng sông Phú Định xếp dỡ hàng hóa.
Một đại biểu Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP bày tỏ ý kiến không đồng tình về việc Samco đề xuất dùng biện pháp hành chính để đưa tàu bè vào cập cảng. Theo vị đại biểu trên, Samco phải giải quyết bài toán cảng sông Phú Định hoạt động bằng biện pháp kinh tế để thu hút tàu, ghe, sà lan vào cảng. Một đại biểu khác cho rằng Samco cần xem xét trách nhiệm vì làm cầu tàu cảng sông Phú Định chỉ cho ghe tàu có trọng tải nhỏ cập cảng nên tàu, sà lan có trọng tải lớn không thể cập cảng sông này.
Ông Phạm Văn Đông, trưởng Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP, cho rằng thông tin “xây dựng cảng Phú Hữu làm nơi câu cá” cho thấy việc đầu tư xây cảng không có hiệu quả. “Tôi cho rằng vấn đề ở đây là thiếu tính đồng bộ trong việc thực hiện các dự án đầu tư cảng biển, cảng sông mà không có hệ thống giao thông đường bộ kết nối. Vì vậy các vị đại biểu HĐND đã đặt câu hỏi ai sẽ chịu trách nhiệm về đầu tư các dự án cảng biển, cảng sông không hiệu quả” - ông Đông nói.
Ông Nguyễn Hồng Anh cho rằng Samco cũng muốn dồn vốn để tạo quả đấm mạnh cho các dự án, nhưng bản thân Samco cũng đang gặp khó khăn về vốn, trong khi đó nguồn vốn ngân sách ngày càng bị thu hẹp.
“Do đó, TP cần tập trung vốn để các dự án hoàn chỉnh nhằm tạo ra sức mạnh phát huy hiệu quả từng dự án. Bởi vì nếu không làm như thế thì sang năm đại biểu HĐND TP trở lại kiểm tra thì tình hình cảng biển Phú Hữu và cảng sông Phú Định sẽ khó thay đổi so với hôm nay” - ông Anh cho biết.
Nguồn: TTO