Tuyến đường sắt chạy từ Hà Nội đến TPHCM chỉ mất hơn 5 giờ đã thuyết phục được các ủy viên Thường vụ Quốc hội về mặt chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, gánh nặng từ nguồn vốn đầu tư 55 tỷ USD lại khiến các ý kiến thực sự băn khoăn…
Nhanh và qua nhiều ga
Trình bày về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng cho biết, theo tính toán, đến năm 2030, nhu cầu hành khách trên hành lang vận tải Bắc - Nam sẽ là 534.000 hành khách/ngày, tương đương 195 triệu hành khách/năm.
Đến năm 2030 nếu không có đường sắt cao tốc thì tổng năng lực của các phương thức vận tải trên hành lang vận tải Bắc - Nam chỉ đạt khoảng 138 triệu hành khách/năm, “hụt” mất 57 triệu hành khách/năm. Đó chính là tiền đề cho sự ra đời của tuyến đường sắt mới.
Tuyến đường sắt Bắc - Nam dài 1.570 km, trong đó nằm trên các cầu cạn dài 1.043 km (chiếm 67%), cầu vượt sông và đường bộ, hầm... Tổng diện tích đất thu hồi khoảng 4.170 ha và 9.480 hộ cần tái định cư.
Tuyến đường sắt cao tốc với công nghệ động lực phân tán - EMU (2 xe đầu chỉ làm nhiệm vụ điều khiển còn hệ thống động lực được lắp trên mỗi toa xe) sẽ có tốc độ 300 km/h.
Với tuyến đường sắt mới, chỉ cần chưa đến 1h30 phút để di chuyển từ Hà Nội tới Vinh (Ảnh có tính minh hoạ)
Trên tuyến đường sắt sẽ xây dựng 27 ga, trong đó có 25 ga dọc tuyến và 2 ga đầu cuối. Thời gian chạy tàu từ Hà Nội - Vinh là 1 giờ 24 phút, từ TPHCM đến Nha Trang là 1 giờ 30 phút. Thời gian chạy tàu Hà Nội - Hoà Hưng là 5 giờ 38 phút đối với tàu nhanh (chỉ đỗ các ga Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang) và 6 giờ 51 phút đối với tàu thường đỗ ở tất cả các ga.
Tổng mức đầu tư của dự án sơ bộ được xác định là 1.066.792 tỷ đồng, tương đương hơn 55 tỷ USD, trong đó chi phí xây dựng kết cấu hạ tầng gần 31 tỷ USD, chi phí thiết bị 9,5 tỷ USD... Suất đầu tư bình quân là 35,6 triệu/km.
Theo phương án huy động vốn Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng trình bày, mỗi năm phải huy động 4,3 tỷ USD, trong đó vốn ngân sách nhà nước là 570 triệu USD, vốn ODA và vốn vay ít ưu đãi hơn là 2,4 tỷ USD, vốn doanh nghiệp là 1,2 tỷ USD.
Về phương án phân kỳ đầu tư, Bộ trưởng Dũng cho biết, giai đoạn 2020 đưa vào vào khai thác đoạn từ Hà Nội - Vinh và đoạn Nha Trang - TPHCM. Giai đoạn đến 2030 xây dựng đưa vào khai thác đoạn Vinh - Đà Nẵng và hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035.
Ông bố nghèo muốn lo cho nhiều con
Thẩm tra dự án, Ủy ban Khoa học Công nghệ, Môi trường cho rằng, đây là dự án có vốn đầu tư rất lớn, suất đầu tư cao. Nguồn vốn nhà nước trong dự án lớn, khó có thể đáp ứng được trong khi vẫn phải bảo đảm nhu cầu vốn cho dự án công trình quan trọng khác.
Các ủy viên Thường vụ Quốc hội dù thống nhất với chủ trương đầu tư cũng đều tỏ ra trăn trở với bài toán vốn đầu tư.
Chủ nhiệm UB Kinh tế, Hà Văn Hiền cho rằng, 55 tỷ USD được tính tại thời điểm 2008. Đến lúc này chỉ riêng giá đất đền bù cũng đã tăng gấp 4 lần nên đến thời điểm đầu tư, tổng vốn không còn là 55 tỷ USD nữa. Trong khi đó, nước ta còn nhiều dự án khác cần một lượng vốn rất lớn, do vậy phải tính toán xem liệu có khả thi.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận thì ví von “dù rất muốn làm, nhưng tình cảnh của ta lúc này giống như ông bố muốn xây cho con cả nhà lầu, mua cho con thứ 2 xe “xịn” nhưng sờ đến tiền thì không có”.
Chưa kể ngành giao thông, từ nay đến 2030, đất nước cần một nguồn lực rất lớn đầu tư cho Hà Nội, TPHCM rồi nguồn lực để đối phó với biến đổi khí hậu… là “tính toán” của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Ksor Phước.
Theo ông, báo cáo tổng hợp chung của các ngành cho thấy, mỗi năm chúng ta cần trên dưới 100 tỷ USD, chưa kể quốc phòng. “Bài toán vốn là bài toán còn băn khoăn nhưng trong báo cáo này chưa nói được hiệu quả hoàn vốn hoàn toàn mà mới nói hiệu quả xung quanh”, ông Ksor Phước lo lắng.
Trong giải trình sau đó, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng phân trần, các nước hiện nay có xu hướng không tính về hoàn vốn hạ tầng và phần này Chính phủ chịu trách nhiệm… Về hoàn vốn đầu tư phương tiện ông Dũng cho rằng phải tính toán kỹ nhưng dự tính 12 năm có thể thu hồi được.
Cách lập luận của ông Dũng không được Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn tán đồng. Theo ông Đàn, không thể tính hiệu quả kinh tế, tài chính trên cơ sở hoàn vốn phương tiện mà phải trên cơ sở hoàn đủ tổng vốn 55 tỷ USD.
Chuyển sang vấn đề hành khách của tuyến đường sắt cao tốc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng, trong tương lai sẽ cải thiện quốc lộ 1A, 1B, đường Hồ Chí Minh, đường ven biển, nâng cấp đường sắt cũ, nâng cao năng lực của Hàng không… Khi đó điều kiện vận chuyển hành khách được cải thiện đáng kể, người dân có nhiều lựa chọn.
“Nếu giá vé bằng 75% giá vé máy bay, những người có thể đáp ứng sẽ chọn phương án di chuyển nào và bao nhiêu phần trăm lựa chọn phương án đi tàu này thì báo cáo chưa đề cập”, ông Hiền phân tích.
Theo ông Ksor Phước, với tốc độ tàu 300 km/giờ, nếu xảy ra biến cố là hết sức nguy hiểm, trong khi hiện tượng người dân ném đá, đặt chướng ngại vật lên đường tàu vẫn tồn tại. Vì thế, phải có phương án bảo vệ và gắn với đó là nâng cao nhận thức người dân… “An toàn đường sắt cao tốc phải được đặt cao như an toàn hàng không”, ông Ksor Phước nhấn mạnh. |
Theo dân trí