57 đường ngang nối với đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó (Cao Bằng) tới đất Mũi (Cà Mau) đang được Bộ GTVT quy hoạch và sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ.
57 tuyến đường với tổng chiều dài 2.782,95km đi qua 30 tỉnh, thành gồm Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, TP Hà Nội, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, TT-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Lâm Đồng, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.
Đường Hồ Chí Minh đoạn chạy qua địa bàn tỉnh Kon Tum.
Các tuyến đường này sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu cấp III, với tổng mức đầu tư sơ bộ trên 55 ngàn tỷ đồng, dự kiến được phân kỳ đầu tư theo ba giai đoạn. Giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2015 sẽ đầu tư 12 tuyến với tổng mức đầu tư 12.538 tỷ đồng. Giai đoạn 2015-2020 sẽ xây dựng 23 tuyến với tổng mức đầu tư 24.818 tỷ đồng. Giai đoạn sau năm 2020 sẽ triển khai 19 tuyến với tổng mức đầu tư 17.885 tỷ đồng.
Theo Bộ GTVT, việc quy hoạch hệ thống đường ngang nối với đường Hồ Chí Minh sẽ tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, liên hoàn, liên kết giữa các vùng lãnh thổ, giữa các trung tâm đô thị. Đồng thời, cũng sẽ tăng cường năng lực của đường Hồ Chí Minh, hỗ trợ cho QL1A trong mùa lũ lụt, giảm tải cho QL1A khi quá tải. Đặc biệt, sẽ liên kết các trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế phía Tây và phía Đông đất nước, đồng thời trực tiếp góp phần phân bổ lại dân cư và lực lượng lao động tại các khu vực có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua.
Baoxaydung.com.vn