UBND TP HCM vừa ban hành bảng giá đất mới và có hiệu lực từ ngày 01/01/2010. Giá
đất mới được sử dụng làm căn cứ, để tính thuế đối với việc sử dụng đất
và chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật; tính tiền sử
dụng đất và tiền thuê đất khi giao đất, cho thuê đất không thông qua
đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất cho các
trường hợp quy định tại Điều 34 và Điều 35 của Luật Đất đai năm 2003;
tính giá trị quyền sử dụng đất khi giao đất không thu tiền sử dụng đất
cho các tổ chức, cá nhân trong các trường hợp quy định tại Điều 33 của
Luật Đất đai năm 2003; xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào
giá trị tài sản của doanh nghiệp nhà nước khi doanh nghiệp cổ phần hóa,
lựa chọn hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất theo quy định tại
khoản 3 Điều 59 của Luật Đất đai năm 2003; tính giá trị quyền sử dụng
đất để thu lệ phí trước bạ theo quy định của pháp luật; tính giá trị
quyền sử dụng đất để bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất sử dụng vào
mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và
phát triển kinh tế quy định tại Điều 39, Điều 40 của Luật Đất đai năm
2003; tính tiền bồi thường và mức xử phạt vi phạm hành chính đối với
người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai gây thiệt hại cho Nhà
nước theo quy định của pháp luật.
Theo đó, giá đất mới có mức trần vẫn giữ 81 triệu đồng mỗi m2 như khung 2009.
So
với năm 2009, bảng giá đất năm 2010 không có nhiều biến động. Giá đất ở
cao nhất vẫn là 81 triệu đồng mỗi m2 thuộc 3 tuyến phố Đồng Khởi, Lê
Lợi và Nguyễn Huệ. Khung giá thấp nhất 1,2 triệu đồng mỗi m2 ở huyện
Cần Giờ. Giá đất quận 7, đặc biệt là khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng đang
xảy ra tranh chấp về tiền sử dụng đất, không thay đổi so với năm ngoái.
Năm
2010 TP HCM chỉ có 12 tuyến đường được xét tăng giá, đều là đoạn đường
được mở rộng hoặc giáp với Đại lộ Đông Tây, rơi vào địa bàn quận 1, 5,
6, 8, 12 và Bình Tân, với tỷ lệ tăng giá cao nhất là 40%.
Cụ thể,
đường Bến Chương Dương, quận 1 (đoạn Hồ Tùng Mậu-Nguyễn Thái Học) từ
25,3 triệu đồng mỗi m2 lên 30,8 triệu đồng mỗi m2 (tỷ lệ tăng 21,74%),
giá thị trường hiện 140 triệu đồng mỗi m2.
Tuyến đường Bến Chương
Dương, quận 1 (đoạn Nguyễn Thái Học-Nguyễn Văn Cừ) từ 24,2 triệu đồng
mỗi m2 lên 29,7 triệu đồng mỗi m2 (tăng 22,73%), giá thị trường 135
triệu đồng mỗi m2.
Đường Nguyễn Huệ, quận 1, về đêm, đây là một trong 3 tuyến đường có giá cao nhất TP HCM, 81 triệu đồng mỗi m2. Ảnh: Đức Quang.
Đường
Trần Văn Kiểu, quận 6 (đoạn Ngô Nhân Tịnh-Cầu Lò Gốm) từ 11,7 triệu
đồng mỗi m2 lên 16 triệu đồng mỗi m2 (tăng 36,75%), giá thị trường 72,7
triệu đồng mỗi m2. Đường Hoàng Đạo Thúy, quận 8 từ 2,2 triệu đồng mỗi
m2 lên 3,1 triệu đồng mỗi m2 (tăng 40,91%), giá thị trường 3,1 triệu
đồng mỗi m2.
Cuối cùng là tuyến đường Lê Thị Riêng, quận 12 từ 2
triệu đồng mỗi m2 điều chỉnh nhích lên 2,4 triệu đồng mỗi m2 (tăng
20%), giá thị trường 10,92 triệu đồng mỗi m2.
Như vậy, năm 2010
thành phố có 2.890 tuyến đường được quy định tại bảng giá đất. So với
năm 2009, có 2.719 tuyến đường giữ nguyên giá, bổ sung mới 157 tuyến
đường và loại bỏ 6 tuyến đường do điều chỉnh tên và được ghép nối với
tuyến đường liền kề. Theo các chuyên gia bất động sản, khung giá đất
hiện nay của TP HCM vẫn còn thấp, chỉ bằng 30% giá đất trên thị trường
tự do.
Còn đất trồng cây lâu năm có mức giá cao nhất là 162.000 đồng
mỗi m2, đất rừng sản xuất 72.000 đồng mỗi m2, đất làm muối 74.400 đồng
mỗi m2. Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp được đề xuất giữ
nguyên tỷ lệ 60% so với giá đất ở.
Bảng giá đất năm 2010 sẽ được
dùng vào 4 mục đích: Một là tính thuế sử dụng đất, thuế thu nhập từ
chuyển quyền sử dụng đất. Hai, tính giá trị quyền sử dụng đất khi giao
đất không thu tiền sử dụng đất. Ba, tính lệ phí trước bạ. Bốn là tính
tiền bồi thường đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai
gây thiệt hại cho Nhà nước.
Trước đây, bảng giá đất ban hành hàng
năm luôn là cơ sở và khung giới hạn để thành phố tiến hành bồi thường
thu hồi đất nhưng từ năm 2010 sẽ chính thức bãi bỏ quy định này.