Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng vừa đề nghị Hà Nội và TP HCM nghiên cứu bổ sung loại hình tàu điện một ray (monorail) vào quy hoạch mạng lưới vận tải hành khách công cộng đô thị, góp phần giảm ùn tắc.
Các ga trung chuyển cũng cần được quy hoạch để bảo đảm kết nối giữa các loại hình vận tải đô thị, như: tàu điện ngầm, đường sắt trên cao, xe buýt nhanh BRT, monorail...
Bộ Giao thông giao cơ quan chức năng làm việc với nhà đầu tư monorail để nghiên cứu trên các trục có lưu lượng 300.000-400.000 hành khách mỗi ngày, đảm bảo phù hợp quy hoạch giao thông thành phố.
Theo người đứng đầu ngành giao thông, tàu điện một ray là một trong các loại hình vận chuyển hành khách công cộng được nhiều thành phố trên thế giới sử dụng hiệu quả. Bộ đã lập đoàn khảo sát về loại hình này ở thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc), thấy có nhiều ưu điểm, như: năng lực vận chuyển tối đa (với đoàn tàu 8 toa), tần suất 3,5 phút thì có thể vận chuyển 30.000 lượt khách/giờ theo một hướng.
Tàu điện một ray. Ảnh: news.e-city.vn.
Trong khi đó, giá thành đầu tư monorail chỉ bằng một nửa so với tàu điện ngầm, thời gian thi công ngắn, phạm vi chiếm dụng đất nhỏ, ít tiếng ồn... Năng lực vận chuyển của loại hình này đáp ứng yêu cầu vận tải hành khách công cộng tại đô thị có dân số khoảng 7 triệu. Khi chạy trong giờ cao điểm, monorail không gặp bất cứ trở ngại nào do hoạt động trên đường riêng biệt nên vận chuyển rất hiệu quả.
Với những ưu điểm này, Bộ Giao thông cho rằng, việc nghiên cứu đầu tư monorail trên các tuyến nội đô có nhu cầu vận tải 300.000 hành khách mỗi ngày là phù hợp, góp phần giải quyết ùn tắc tại Hà Nội và TP HCM trong thời gian trước mắt và tương lai.
Giữa năm 2010, Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đã trình Thủ tướng phương án xây dựng tuyến tàu điện một ray theo hình thức BOT nhằm giải quyết ách tắc giao thông phía tây Hà Nội. Loại hình này cũng nhận được ủng hộ của các chuyên gia giao thông.
Nguồn: VnExpress