Ông Vương Hoàng Thanh - Phó giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP HCM (UCCI) cho biết hiện UCCI phối hợp với các sở, ngành liên quan cùng sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới đang hoàn thiện và triển khai dự án tuyến BRT (xe buýt nhanh và xanh) dọc trục Đại lộ Đông-Tây và Võ Văn Kiệt.
ảnh minh họaThông tin trên được đưa ra ngày 28/3, tại Hội thảo giới thiệu kinh nghiệm quốc tế về giao thông công cộng do Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh và UCCI tổ chức.
Theo đó, tuyến BRT bao gồm điểm đầu là Bến xe miền Tây mới (huyện Bình Chánh), ga trung tâm và điểm cuối ở Thủ Thiêm (quận 2), với chiều dài toàn tuyến là 21km, đi qua các quận 1, 2, 5, 6, Bình Tân và huyện Bình Chánh.
Điểm mới trong dự án là phát triển theo “ý tưởng xanh” với việc không gian xung quanh nhà chờ được xây dựng với mái che bằng cây xanh, vào ban đêm nhà chờ được chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời và gió.
Thạc sỹ Lê Trung Tính - Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết BRT là giải pháp khả thi nhất để giải quyết vấn nạn ùn tắc tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay với tính hiệu quả cao do vận chuyển khối lượng lớn, thời gian nhanh, đồng thời chi phí đầu tư thấp với khoảng 1-2 triệu USD/km (chi phí đầu tư cho tramway là 20 triệu USD/km, cho metro là 100 triệu USD/km).
Theo UCCI, khi đưa vào hoạt động, tuyến BRT sẽ được kết nối với mạng lưới xe buýt hiện tại ở mỗi cây cầu bắc ngang kênh Tàu Hũ và rạch Bến Nghé, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho kết nối giữa các tuyến xe buýt bình thường và BRT.
Các nhà chờ được đề xuất bố trí gần các cầu bộ hành và cầu bắc qua kênh để hành khách có thể tiếp cận dễ dàng, mỗi nhà chờ được bố trí cách nhau 400m đến 1km.
Dự kiến đến năm 2013 sẽ đưa vào sử dụng tuyến BRT giai đoạn 1.
Nguồn: xaluan.com