An Sơn JSC

Quản lý không gian kiến trúc theo hướng bền vững - Phần 2

Tổng thể kiến trúc thành phố phải được hình thành trên cơ sở phân bố và phát triển các khu vực theo mô hình phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu. Kiến trúc của mỗi khu vực phải có bản sắc riêng, phù hợp với điều kiện kinh tế, tự nhiên, đặc điểm xã hội và truyền thống văn hóa lịch sử. Việc hình thành tổng thể kiến trúc phải căn cứ vào các đồ án quy hoạch đô thị được phê duyệt, trong đó, phải coi trọng nội dung thiết kế đô thị, nhằm mục tiêu gắn kết các công trình kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên, tạo thành một hình ảnh đô thị đặc trưng, mang tính đa dạng một cách thống nhất.
Tổng thể kiến trúc còn phải phát triển theo hướng hòa nhập quá khứ, hiện tại với tương lai. Trong đó, việc cải tạo, nâng cấp giá trị các khu vực đô thị hiện có, đồng thời với việc phát triển các công trình và khu đô thị mới, hiện đại, có cơ sở hạ tầng đồng bộ, nhằm đảm bảo bộ mặt kiến trúc truyền thống được từng bước đổi mới, song vẫn không mất đi tính kế thừa và bản sắc của riêng mình.
Hình: khu nhà cổ 292 Hải Thượng Lãn Ông cần được bảo tồn
Trong tổng thể kiến trúc của từng khu vực, mỗi một công trình là một bộ phận cấu thành không gian kiến trúc đô thị. Do đó, việc tạo lập và hình thành các công trình kiến trúc trong mỗi khu vực phải tuân thủ nguyên tắc kết hợp chung với riêng, cá nhân với cộng đồng. Việc cải tạo, xây dựng trong đô thị phải tuân thủ các quy tắc quản lý quy hoạch và thiết kế đô thị một cách chặt chẽ tạo nên một trật tự kiến trúc phụ hợp với không gian và thời gian.
Thách thức đối với công tác quản lý kiến trúc đô thị bền vững:
Hiện nay, thực tế công tác quản lý kiến trúc đô thị trên địa bàn TP.HCM gặp không ít khó khăn thách thức từ đặc thù hiện trạng phát triển của thành phố.
Các thách thức đó là: tốc độ phát triển đô thị nhanh, sự phân hóa về mặt xã hội gia tăng cùng với sự phát triển, dẫn đến sự cách biệt giữa các khu vực trong đô thị, giữa vùng phát triển và đang phát triển.
Cơ cấu hạ tầng kết nối cũng còn thiếu, không đảm bảo tiêu chuẩn tiện nghi của một đô thị trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa; quá trình đô thị hóa chưa được kiểm soát một cách triệt để.
Đặc thù nhà phân lô liên kế hiện hữu trên khắp địa bàn thành phố, đặc biệt là khu nội thành cũ; các lô đất hình dạng không đều, đan xen với hệ thống đường giao thông trong thành phố chưa hoàn toàn phù hợp (mạng lưới đường hẻm nhỏ, dẫn đến vấn đề giải quyết giao thông tiếp cận, bãi đậu xe, luồng đi bộ của người dân… ) còn nhiều hạn chế, vẫn chưa có các giải pháp thích hợp.
Hình: thiếu bãi, các phương tiện 4 bánh phải đậu trên vỉa hè công viên Lê Văn Tám
Tình trạng các công trình với quy mô khác nhau có sự chuyển đổi sử dụng cho nhiều chức năng, xen cài trên nền đô thị hiện hữu vốn chưa được tổ chức hệ thống hạ tầng đô thị phù hợp với tính chất sử dụng.
Các văn bản pháp lý còn chồng chéo, thay đổi liên tục gây khó khăn cho việc thực hiện và quản lý do khung pháp luật chưa đồng bộ, thiếu các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết việc quản lý kiến trúc, thiếu cơ chết khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kiến trúc đô thị.
Việc đầu tư nghiên cứu xây dựng mới hệ thống những quy trình – quy phạm, tiêu chuẩn và quy chuẩn, sổ tay thiết kế trong lĩnh vực thiết kế quy hoạch xây dựng và quản lý đô thị cũng chưa được quan tâm một cách có hệ thống, dẫn tới việc các cơ quan tư vấn và quản lý đô thị vẫn phải sử dụng những quy định vừa lạc hậu, vừa không còn phù hợp với yêu cầu hòa nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay và tương lai.
Đối với một số khu vực đặc biệt như nội thành cũ, khu trung tâm hiện hữu, hiện nay, sức ép của tính khả thi các dự án đầu tư đặt nặng trên khía cạnh chỉ tiêu quy hoạch – kiến trúc, do thành phố còn thiếu các cơ chế và công cụ kinh tế - tài chính hỗ trợ….
Trong công tác bảo tồn kiến trúc, hiện nay việc bảo tồn, giữ gìn các công trình dân dụng như nhà ở, biệt thự cũng gặp rất nhiều vướng mắc; nhiều biệt thự bị phá vỡ về cảnh quan kiến trúc, do nhiều nguyên nhân như tình trạng xây chen, xây cơi không phép, trái phép để ở và kinh doanh, hóa giá nhà, mua bán, chuyển dịch sở hữu các phần diện tích khác nhau trong khuôn viên biệt thự gốc dẫn đến việc sử dụng, xây dựng lại không đồng bộ, xây dựng nhiều tầng với công năng khác,… Bên cạnh đó, vẫn còn thiếu cơ chế chính sách (về tài chính, các cơ chế khác) hỗ trợ cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng hay nhà đầu tư đối với các công trình cũ có giá trị bảo tồn hoặc công trình nằm trong khu vực bảo tồn kiến trúc cảnh quan. Chúng ta còn thiếu cách làm và giải pháp phát huy các giá trị trong cuộc sống đương đại. Điều này dẫn đến khó thực hiện hiệu quả yêu cầu bảo tồn, phát huy được giá trị của công trình và cảnh quan kiến trúc bảo tồn.
Trong quản lý kiến trúc hiện nay chưa có định hướng và chiến lược rõ ràng đối với mục tiêu phát triển bền vững; các nguyên tắc của kiến trúc bền vững chưa được triển khai đầy đủ trong thiết kế đô thị và các dự án quy hoạch đô thị.
Nhận thức của người dân và nhà đầu tư, năng lực của đội ngũ sáng tác kiến trúc, cán bộ quản lý kiến trúc còn hạn chế, thiếu thông tin về kiến trúc bền vững. Để khắc phục những khó khăn và vấn đề còn tồn đọng trên, rõ ràng cần có một nỗ lực lớn từ phía thành phố- bao gồm cả chính quyền, các nhà chuyên môn kiến trúc, cộng đồng người dân bao gồm cả nhà đầu tư – trong việc hoạch định một chiến lược rõ ràng và kiên trì thực hiện.
Có thể nói nhà ở là một thành phần chủ yếu trong cấu trúc đô thị của thành phố. Để khắc phục những hệ lụy nêu trên từ hiện trạng nhà ở trong đô thị, cần có quy hoạch tổ chức các mô hình ở phù hợp cho các khu vực khác nhau trong đô thị; trong đó, công tác quy hoạch phân khu cần phải xác định và giải quyết cụ thể. Những mô hình ở phù hợp như là liên kế, nhà biệt thự, nhà vườn, nhà chung cư… sẽ tạo điều kiện giải quyết các vấn đề hạ tầng đô thị, hình thành những không gian cảnh quan đô thị phù hợp với đặc điểm tự nhiên và kinh tế - xã hội đặc thù của từng khu vực.
Hình: các công trình cần bảo tồn tại khu phố cổ người Hoa
Rõ ràng là mục tiêu kiến trúc đô thị bền vững không chỉ giải quyết bằng công tác quản lý phát triển kiến trúc mà còn cần có các cơ chế và công cụ kinh tế - tài chính đô thị để hỗ trợ. Chẳng hạn như: chính sách thuế liên quan chức năng sử dụng của công trình (ưu đãi thuế đối với các chức năng khuyến khích tăng trưởng, tăng thuế đối với các chức năng cần hạn chế); các cơ chế thuế hạ tầng, thuế môi trường đối với các dự án có tác động đáng kể đến hạ tầng và môi trường đô thị; đồng thời có các chính sách ưu đãi các dự án áp dụng tiêu chí “công trình xanh”, hỗ trợ các dự án liên quan mục tiêu bảo tồn và phát huy các công trình di sản kiến trúc đô thị,…
Việc quản lý phát triển không gian kiến trúc đô thị là một tiến trình lâu dài, theo hướng cải thiện và hướng đến mục tiêu bền vững, do đó cần chấp nhận những tồn tại hiện nay của những cái cũ, cái chưa được, cái chưa hay. Điều cần là có chiến lược và lộ trình hợp lý để khắc phục, loại bỏ dần những yếu tố chưa hay đó và thúc đẩy thực hiện kiến trúc tiên tiến.
TP.HCM sẽ xây dựng chương trình hành động cụ thể, phụ hợp với điều kiện thực tế của thành phố, nhằm góp phần xây dựng đô thị bền vững và phát triển kiến trúc Thành phố hiện đại, giàu bản sắc, tương xứng với tầm vóc của thành phố trong thời kỳ phát triển.
Theo SQHKT


� 2009 -2024  An Sơn JSC | Homepage