An Sơn JSC

Izmir, viên ngọc vùng biển Aegean

Nằm giữa ba biển, lại là nơi Á Âu gặp gỡ, Thổ Nhĩ Kỳ là nơi giao thoa giữa các nền văn minh lớn. Mỗi thành phố của đất nước này đều mang vẻ đẹp pha trộn Đông Tây và có một bề dày lịch sử, những đỉnh cao văn minh và những cuộc chiến tàn khốc.

Tháp đồng hồ, biểu tượng của Izmir.
Một ngày tháng Tư khí trời mát dịu, chúng tôi đến khám phá Izmir, thành phố lớn thứ ba Thổ Nhĩ Kỳ, nơi nổi tiếng nhờ vẻ thơ mộng và khí hậu tuyệt vời. 

Xứ giai nhân 

Izmir như hầu hết các thành phố của Thổ Nhĩ Kỳ, có một nền văn hóa rất đa dạng, là sự tổng hòa giữa những thành tựu của đế chế Ottoman, văn minh Hy Lạp, La Mã và các truyền thống Hồi giáo. Dù Thổ Nhĩ Kỳ đã chuyển đổi từ một nhà nước tôn giáo thời Ottoman để trở thành một quốc gia hiện đại với nỗ lực hiện đại hóa và Tây phương hóa, không khí phương Đông vẫn phảng phất qua những kiến trúc từ thời Ottoman, mà rõ nhất là tiếng nhạc mang âm hưởng dân gian Thổ Nhĩ Kỳ pha trộn giai điệu của âm nhạc Ả Rập với tiếng trống trầm đặc thỉnh thoảng phát ra từ các quán cà phê hay những chiếc xe hơi chạy ngang qua. Thành phố cảng được mệnh danh là viên ngọc vùng biển Aegean này khá náo nhiệt với hơn ba triệu dân, mang vẻ đẹp trữ tình cùng sự quyến rũ bởi lịch sử văn hóa giàu có. 
Thánh đường trang nghiêm đối diện với khu chợ náo nhiệt
Trang trí bên trong một thánh đường

Lịch sử của Izmir có nhiều câu chuyện đầy kịch tính. Theo truyền thuyết, người đặt nền móng cho thành phố này là bộ tộc Amazon, được lãnh đạo bởi toàn phụ nữ và nổi tiếng vì tính hiếu chiến. Tên cổ của thành phố là Smyrna cũng được cho là bắt nguồn từ Smurna - tên nữ thủ lĩnh bộ tộc này. Nghe nói xưa kia những người đẹp sẵn sàng đốt cháy một bầu ngực để tiện cho việc bắn cung. Không biết các chiến binh tóc dài có để lại lời nguyền nào không mà số phận Izmir sau đó hết sức truân chuyên. 

Trong năm ngàn năm tồn tại, thành phố đã chứng kiến nhiều nền văn minh đến đây đặt nền móng, phát triển rực rỡ hết mức rồi suy tàn. Izmir từng thuộc về Hy Lạp, La Mã, Ba Tư, Ả Rập, từng bị giày xéo dưới bánh xe thập tự chinh rồi đến vó ngựa Mông Cổ. Izmir cũng từng là một hải cảng quân sự lớn mạnh khi Alexandre Đại đế đến đây và xây dựng thành phố trên một ngọn đồi phía Nam, từ đó trấn thủ toàn vùng ven biển Địa Trung Hải. Ngoài các trận chiến ác liệt giữa các nền văn minh, Izmir còn phải chịu hai cơn động đất năm 1688 và 1778. 

Dường như để bù đắp cho những truân chuyên của thành phố, phụ nữ ở đây nổi tiếng xinh đẹp nhất Thổ Nhĩ Kỳ. Vẻ đẹp đặc biệt của họ có lẽ nhờ pha trộn giữa Âu và Á, bởi rất nhiều phụ nữ ở đây mang hai dòng máu Hy Lạp và Thổ. Chịu những quy định khắt khe của Hồi giáo, họ có vẻ đẹp kín đáo, hơi u buồn nhưng rất đỗi dịu dàng. 
Sắc đẹp Thổ Nhĩ Kỳ
Trang phục phổ biến của phụ nữ hiện đại Izmir là quần Jeans với áo, khăn trùm kín đầu vai và cánh tay. Nhưng chỉ với vóc dáng cao thon và gương mặt thanh tú, đặc biệt là cặp mắt to, đen long lanh dưới hàng mi dài thường hay nhìn xuống cũng đủ làm khách phương xa xao xuyến. Chợt thấy những quy định khắt khe về cách ăn mặc của phụ nữ đạo Hồi vô lý mà cũng... có lý, bởi nếu sắc đẹp mê hồn này mà được ăn mặc, đi đứng tự do như những nơi khác thì đàn ông xứ này chắc sẽ... khó tập trung vào công việc! Đã có rất nhiều tác phẩm thơ ca nổi tiếng ca ngợi nhan sắc phụ nữ Izmir. Dù hầu hết các tôn giáo đều cho nhan sắc phụ nữ là thứ nguy hiểm, nhưng với nghệ thuật thì bất cứ ở đâu sắc đẹp cũng được tôn thờ, cũng là nữ thần sáng tạo. 

Nơi đan kết các nền văn minh 

Thành phố này có địa hình thật đẹp, nằm dọc theo biển và được bao quanh bởi những dải đồi chập chùng. Khí hậu lý tưởng nơi đây cũng góp phần tạo nên sự quyến rũ của Izmir: bầu trời và mặt biển quanh năm hầu như trong vắt, xanh như ngọc, nắng vàng dịu, những làn gió mát rượi từ biển không ngừng thổi vào thành phố làm người ta có cảm giác thật khoan khoái. Chúng tôi bắt đầu khám phá thành phố từ quảng trường nổi tiếng mang tên Konak, nơi có tháp đồng hồ cao 25m, là biểu tượng của Izmir. Ngọn tháp này có kiến trúc theo phong cách Ottoman, rất tinh tế, sang trọng. 
Bên trong kiến trúc cổ này là một ngôi chợ
Một kiến trúc đặc trưng dưới thời đế chế Ottoman

Tháp được xây dựng vào năm 1901, nhân kỷ niệm năm cầm quyền thứ 25 của vua Thổ khi đó là Abdulhamit đệ nhị. Chim bồ câu đậu đầy quảng trường sẵn sàng tỏ ra thân thiện với vị khách nào hào phóng cho chúng thức ăn. Khu trung tâm này tập hợp nhiều kiến trúc cổ của Izmir, từ thánh đường Hồi giáo lớn nhất, cổ nhất thành phố mang tên Hisar Mosque, được xây từ cuối thế kỷ XVI cho đến các bảo tàng khảo cổ, bảo tàng dân tộc học, bảo tàng nghệ thuật… đều là những kiến trúc đẹp. Khách tham quan có thể mất cả ngày trời để mắt mải mê ngắm những hiện vật quý giá, tai chăm chú lắng nghe những câu chuyện hấp dẫn trong lịch sử dài và lắm thăng trầm của vùng đất này. 

Một đặc điểm làm nên sự sống động của Izmir là từ thánh đường tôn nghiêm đến những khu chợ náo nhiệt ồn ã chỉ cách nhau mấy bước chân. Các khu bazaar (tiếng Anh nghĩa là chợ phương Đông) vẫn náo nhiệt và đầy màu sắc như những phiên chợ Ba Tư đã đi vào âm nhạc và huyền thoại. Vải vóc, thảm, khăn với đủ màu rực rỡ, còn mùi gia vị thì thật nồng nàn. Những xâu thịt nướng thơm phức và những lời mời chào nhiệt tình, những món ăn từ mặn đến ngọt đều nhiều màu sắc làm du khách không thể không nếm thử. Các khu chợ dành cho du khách này đều nằm trong các khu kiến trúc cổ, đậm màu sắc Hồi giáo càng làm du khách có cảm giác như đang ở trong các khu chợ trong truyện Ngàn lẻ một đêm. 
Trong một xưởng làm thảm thủ công

Các đền thờ Hồi giáo ở đây luôn khiến du khách phải dừng chân thật lâu để chiêm ngưỡng vì chúng xứng đáng được gọi là tác phẩm nghệ thuật với kiến trúc độc đáo và trang trí hết sức lộng lẫy. Xuất phát từ quan niệm không thờ tranh tượng, hội họa Thổ Nhĩ Kỳ không được coi trọng, chỉ được sử dụng để minh họa hoặc trang trí. 

Dù vậy, hội họa vẫn có những dấu ấn riêng của mình với những nét vẽ tinh xảo, màu sắc sống động. Thảm Thổ Nhĩ Kỳ là vật trang trí đẹp nổi tiếng vì có những hoa văn độc đáo, lộng lẫy. Nhà văn Pamuk, người đem giải Nobel đầu tiên về cho Thổ Nhĩ Kỳ năm 2006 nhờ tác phẩm My Name Is Red (tác phẩm này đã được dịch giả Phạm Viêm Phương dịch sang tiếng Việt với tựa Tên tôi là Đỏ) cũng nhờ kiến thức sâu rộng của ông về văn hóa Thổ, đặc biệt là lịch sử hội họa. Trong tác phẩm của ông, kiến trúc cung điện và nội dung, bố cục của các bức tranh nổi tiếng của nước Thổ được đề cập rất nhiều. 
Di tích Agora, dấu ấn còn lại của nền văn minh Hy Lạp

Trong một lần trả lời phỏng vấn của báo chí phương Tây, Pamuk nói sau nhiều năm viết lách, ông nhận ra rằng muốn tác phẩm của mình được thế giới công nhận thì nó phải mang đậm bản sắc văn hóa riêng. Điều đó thúc đẩy ông bỏ công nghiên cứu văn hóa dân tộc. Trong lời công bố trao giải Nobel Văn chương 2006 cho Pamuk, Viện Hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển ghi nhận: “Pamuk đã tìm thấy những biểu tượng mới về sự đụng chạm và đan kết của các nền văn hóa...”. Có lẽ sự đụng chạm nào giữa các nền văn minh cũng dẫn đến những rạn vỡ và những đớn đau, nhưng sự đan kết của các nền văn hóa cũng luôn tạo ra những vẻ đẹp mới, những giá trị mới. 

Từ nhà thờ Hồi giáo bước đến khu di tích Agora, một trung tâm kinh tế, chính trị của thời văn minh Hy Lạp cùng nằm ngay trong thành phố, du khách đã có bao nhiêu là suy ngẫm, so sánh về triết lý, quan niệm thẩm mỹ Đông Tây thể hiện trong nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, hội họa... 

Sau một ngày lang thang qua các di tích của những nền văn minh, tim đã tràn ngập cảm xúc, trí tưởng tượng đã thỏa sức bay bổng, chúng tôi đến nghỉ chân bên bờ biển. Trước mặt là biển trời mênh mông đỏ ối trong ánh hoàng hôn, sau lưng là đời sống đan kết bởi những nền văn minh Đông Tây đang tiếp tục chảy... 

datviet24h


� 2009 -2024  An Sơn JSC | Homepage