An Sơn JSC

Quy hoạch đồng bộ việc di dời các trường đại học

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, việc di dời các trường đại học, cao đẳng từ nội thành Hà Nội và TP.HCM đến các khu quy hoạch là cần thiết và không thể tiếp tục kéo dài tình trạng để các trường trong nội thành bởi chất lượng dạy và học sẽ không đảm bảo…

Di dời các trường đại học ra khỏi nội thành Hà Nội là cần thiết

Chiều 22/9, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nghe các Bộ, ngành đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện Dự thảo Đề án “Di dời một số trường đại học và cao đẳng từ nội thành TP.Hà Nội và TP.HCM đến các khu quy hoạch”.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết, với những bất cập hiện nay như mật độ phân bố trường quá dày đặc, chỉ tiêu bình quân diện tích đất/sinh viên và bình quân diện tích đất/đơn vị trường thực tế rất thấp thì các trường không có khả năng mở rộng quy mô.

Mặt khác điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của các trường đang trong tình trạng tụt hậu, môi trường sư phạm, hạ tầng kỹ thuật và xã hội đô thị không đảm bảo…

Di dời vì lợi ích của chính trường đại học

Thực trạng trên đòi hỏi các trường đại học, cao đẳng trong nội thành của 2 thành phố nói riêng cũng như của cả hệ thống giáo dục đại học nói chung cần sớm khắc phục . 

Do đó, Dự thảo Đề án “Di dời một số trường đại học và cao đẳng từ nội thành TP.Hà Nội và TP.HCM đến các khu quy hoạch” do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng đã đưa ra mục tiêu cụ thể là di dời khoảng 200 ngàn sinh viên đại học, cao đẳng trong nội thành TP.Hà Nội (ước khoảng 30 cơ sở đào tạo) đến các khu quy hoạch để quy mô đào tạo đại học, cao đẳng trong nội thành đến năm 2025, tầm nhìn 2050 vào khoảng 300 ngàn sinh viên.

Đối với TP.HCM, di dời khoảng 350.000 sinh viên trong nội thành (tương đương khoảng 40 trường) để quy mô sinh viên trong nội thành đến năm 2025 và tầm nhìn năm 2050 còn khoảng 150 ngàn sinh viên.

Việc di dời trước hết là đảm bảo lợi ích và quyền lợi chính đáng của người học, đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý; đặt nền tảng cơ bản cho trường phát triển bền vững.

Đề án cũng nêu ra 3 phương án bố trí các trường thuộc diện di dời vào các khu quy hoạch. Đó là: bố trí trường đại học, cao đẳng đào tạo cùng ngành nghề vào cùng một khu quy hoạch; bố trí xen kẽ các trường đại học, cao đẳng đào tạo khác ngành/nghề vào cùng khu quy hoạch; bố trí các trường công lập và trường tư thục (trường có vốn đầu tư nước ngoài hay trường liên doanh-liên kết với nước ngoài) trên cùng một khu quy hoạch.

Đảm bảo tính đồng bộ trong quy hoạch 

Sau khi nghe ý kiến của các Bộ, ngành, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, “việc di dời các trường đại học, cao đẳng từ nội thành Hà Nội và TP.HCM đến các khu quy hoạch là cần thiết và không thể tiếp tục kéo dài tình trạng để các trường trong nội thành bởi chất lượng dạy và học sẽ không đảm bảo”.

Do đó cần phải tạo sự chuyển biến quyết liệt, khu quy hoạch phải đảm bảo tính đồng bộ, giao thông, hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất… phải sẵn sàng. Cần xây dựng tiêu chí rõ ràng, cụ thể đối với trường phải di dời và không phải di dời.

Cũng theo Phó Thủ tướng, nếu không thông qua được quy hoạch các trường đại học, cao đẳng tại Hà Nội và TP.HCM thì không thể triển khai Đề án này.

Theo Phó Thủ tướng, cần có Ban chuyên trách để triển khai xây dựng và thực hiện Đề án, đồng thời yêu cầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bên liên quan khẩn trương hoàn thiện Đề án trình Chính phủ trong tháng 11.

Nguồn: Chinhphu.vn


� 2009 -2024  An Sơn JSC | Homepage