An Sơn JSC

TP.HCM vươn ra biển

Hôm nay (22-1), đường Rừng Sác - Cần Giờ được khánh thành, đưa người dân ở nội thành TP.HCM đến với biển Đông bằng con đường gần nhất.

Đường Rừng Sác - Cần GIờ (đoạn vừa qua phà Bình Khánh) - Ảnh: T.Thắng

Qua bến phà Bình Khánh là đặt chân vào điểm đầu tuyến đường Rừng Sác. Từ xã Bình Khánh đến trung tâm huyện Cần Giờ, mặt đường bốn làn xe được mở rộng lên sáu làn xe. Trên suốt tuyến đường dài 36,5km này chỉ có khoảng 3,5km là có dân cư, phần còn lại là rừng thiên nhiên Cần Giờ. Vì vậy khi đi trên tuyến đường này, mọi người đều cảm thấy như được trở về với rừng và với biển.

Theo Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình huyện Cần Giờ, tổng vốn đầu tư xây dựng đường là 1.561 tỉ đồng, trong đó đền bù giải tỏa là 282,1 tỉ đồng. Đường Rừng Sác nằm trên nền đất yếu nên mặt đường chỉ láng nhựa và đến khi nền đường ổn định mới trải bêtông nhựa đường.

Rút ngắn 1/2 thời gian

Ông Dương Thành Hưng - giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình huyện Cần Giờ (chủ đầu tư dự án) - cho biết đường Rừng Sác được thiết kế cho xe chạy 80km/giờ nên đi từ đầu tuyến đến cuối tuyến đường chỉ mất 30 phút, thay vì đường cũ phải đi mất hơn một giờ.

Tám cây cầu được xây mới gồm cầu Hà Thanh, Rạch Đơn, Long Giang Xây, Nông Trường Quận 5, An Nghĩa, Dần Xây, Rạch Lá, Lôi Giang có tải trọng 30 tấn, thay cho các cầu cũ chỉ có tải trọng 5-10 tấn.

Kể từ khi có cầu mới, nhiều xe tải chở hàng hóa và xe buýt lớn chở khách du lịch về Cần Giờ ngày càng tăng. Tuyến đường rộng này có rất ít xe gắn máy. Phần lớn bà con Cần Giờ về trung tâm TP đều chọn xe buýt vì cứ 5-10 phút có một xe buýt xuất bến. Hơn nữa, đi xe buýt có giá rẻ và an toàn hơn đi xe gắn máy - nhiều người dân Cần Giờ cho biết.

26 năm về trước (tháng 4-1985), tuyến đường Rừng Sác đã được khởi công trên vùng đất sình lầy ngập mặn và sông rạch chằng chịt. Tuy là tuyến đường cấp phối sỏi đỏ cho hai làn xe lưu thông với bảy chiếc cầu nhỏ và hai bến phà nhưng nó đã trở thành dấu ấn trong lịch sử huyện Cần Giờ.

Từ tháng 3-2002, dự án đường Rừng Sác - Cần Giờ (mới) được khởi công và thi công thí điểm một đoạn từ Hào Võ đến cầu Hà Thanh dài 1km. Đến năm 2004 UBND TP.HCM có quyết định đầu tư giai đoạn 1 và đến tháng 6-2007 UBND TP mới có quyết định đầu tư xây dựng đường Rừng Sác theo quy mô sáu làn xe nhằm định hướng phát triển mạnh mẽ và bền vững ngành du lịch sinh thái Cần Giờ cũng như phát triển kinh tế.

Tháng 1-2001, Tổng cục Du lịch đã có công văn về việc xây dựng một số khu du lịch quốc gia, trong đó có Cần Giờ. Vì vậy tháng 5-2001, UBND TP chỉ đạo lập dự án đầu tư xây dựng khu du lịch quốc gia ở huyện Cần Giờ. Không đầy ba tháng sau, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM đã có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi công trình lấn biển Cần Giờ để hình thành khu bãi tắm, nghỉ ngơi giải trí nhằm phát triển khu du lịch biển với kế hoạch phát triển du lịch trong toàn vùng.

Có thể nói việc xây dựng tuyến đường Rừng Sác - Cần Giờ là bước đi đầu tiên cho những dự án lớn về du lịch biển. Cuối năm 2007, Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ (chủ đầu tư dự án) đã khởi công dự án khu du lịch biển Cần Giờ trị giá 600 triệu USD tại xã Long Hòa với diện tích 600ha, trong đó phần diện tích lấn biển 200ha.

Theo chủ đầu tư dự án, giai đoạn 1 của dự án (khoảng 151ha) sẽ thi công vào quý 1-2011 và dự kiến hoàn thành vào quý 3-2012. Khu vực này có sức chứa 33.000 người, dành cho khu dịch vụ du lịch, khu resort, khách sạn cao cấp, đất công viên, đất ở và đất dành cho giao thông...

Con đường đền ơn đáp nghĩa

Đầu năm 2010, phát biểu tại buổi lễ khánh thành đường Rừng Sác - Cần Giờ giai đoạn 1 cho ba làn xe lưu thông, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho rằng đây là con đường đền ơn đáp nghĩa nhân dân huyện Cần Giờ cho công lao của họ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đây cũng là một công trình rất kỳ công vì thi công làm đường trên vùng đất không chân (nền đất yếu). Chủ tịch nước đã đề nghị UBND TP phải tính đến việc xây dựng cầu Bình Khánh để nối trung tâm TP.HCM với Cần Giờ.

Rõ ràng đường Rừng Sác - Cần Giờ vẫn bị cô lập và lãng phí vì vẫn còn cách trở bởi bến phà Bình Khánh và Cần Giờ sẽ không thể phát triển du lịch. Vì vậy đầu năm 2010 UBND TP đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xây dựng cầu Bình Khánh kết nối với dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (Long An - TP.HCM - Đồng Nai).

Tháng 10-2010, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt dự án đường cao tốc trên, trong đó có dự án xây dựng cầu Bình Khánh dài 3,8km, lớn nhất ở TP.HCM (theo kế hoạch, công trình sẽ thi công vào năm 2012-2017).

TTO


� 2009 -2024  An Sơn JSC | Homepage