An Sơn JSC

Xây dựng 43 đường cao tốc trên cả nước

Đường cao tốc có vai trò quan trọng đặc biệt trong việc phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng và thu hẹp khoảng cách các vùng miền. Việc triển khai mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 sẽ được xây dựng rất lớn bao gồm khoảng 43 tuyến có tổng chiều dài 5.873km sẽ là động lực lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội.


Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Những tuyến đường đầu tiên

Cách đây một năm, ngày 3/2/2010, Bộ GTVT chính thức cho thông xe đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, tuyến cao tốc đường bộ đầu tiên của Việt Nam dành cho xe cơ giới chạy 2 chiều riêng biệt, nối TP.HCM với các tỉnh miền Tây Nam bộ. Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương dài 61,9km, với kinh phí xây dựng gần 10 nghìn tỷ đồng, cho phép xe chạy với vận tốc 120km/giờ đã rút ngắn thời gian từ các tỉnh miền Tây về TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Ở phía Bắc, dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (dự kiến đưa vào khai thác từ năm 2013) có tổng chiều dài 264km đi qua 5 tỉnh, thành Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai. Đây là tuyến đường đặc biệt quan trọng thuộc hành lang đường bộ Côn Minh - Hải Phòng, nằm trong chương trình hợp tác giữa 6 nước tiểu vùng sông Mê Kông. Dự án được phân kỳ đầu tư làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 đầu tư xây dựng 245km, từ Nội Bài đến TP Lào Cai. Giai đoạn 2 sẽ làm từ TP Lào Cai đấu nối với đường cao tốc Côn Minh - Hà Khẩu. Đoạn từ Nội Bài - Yên Bái dài 123km, vận tốc tối thiểu 100km/giờ gồm bốn làn đường xe chạy, hai làn dừng xe khẩn cấp, dải phân cách giữa và lề đường. Đoạn từ Yên Bái - Lào Cai dài 122km có vận tốc thiết kế tối thiểu 80km/giờ với hai làn đường xe chạy, hai làn dừng xe khẩn cấp, lề đường và phần mở rộng.

Còn tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có tổng giá trị đầu tư 35 nghìn tỷ đồng và là tuyến đường bộ cao tốc đầu tiên của Việt Nam không sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Công trình có tổng chiều dài 105,5km, với điểm bắt đầu nằm trên đường vành đai 3 Hà Nội đi qua các tỉnh, thành: Hà Nội (6km), Hưng Yên (26,5km), Hải Dương (40km), Hải Phòng (33km), điểm cuối đường là đập Đình Vũ (thuộc Q.Hải An, Hải Phòng). Tốc độ thiết kế đạt 120km/giờ.

Dự án cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có vốn đầu tư phê duyệt ban đầu 3.522,4 tỷ đồng, chiều dài toàn tuyến 62km, vận tốc trung bình 100km/h. Điểm đầu tuyến giao với QL1A mới phía bắc cầu Phù Đổng (nằm trên đường vành đai 3 Hà Nội), điểm cuối được nối vào điểm đầu của tuyến tránh TP Thái Nguyên đang được xây dựng.

Đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn bắt đầu tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), kết thúc tại cầu Như Nguyệt (Bắc Ninh), quy mô 6 làn xe. Bộ GTVT đồng ý với đề xuất của ADB về việc cung cấp khoản vốn vay thông thường (OCR) trong giai đoạn 2011 - 2013 khoảng 900 triệu USD và đề xuất của ADB với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc khoản đồng tài trợ 200 triệu USD. Về vốn đối ứng, Bộ GTVT sẽ đề xuất với Chính phủ bố trí cho dự án.

Một dự án khác, đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái cũng đang được Bộ GTVT đề nghị ADB tiếp tục đưa vào danh mục vay của Việt Nam. Trường hợp không đủ vốn cho vay, đề nghị ADB cùng nghiên cứu hình thức đầu tư hợp tác công - tư (PPP) để thực hiện. Dự kiến, tuyến đường này cũng sẽ được xây dựng đạt tiêu chuẩn đường cao tốc Việt Nam theo Quyết định 1734/QĐ-TTg ngày 1/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ.

Đến tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam

Đầu năm 2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường bộ cao tốc Bắc Nam phía đông, nối từ Hà Nội đến Cần Thơ với chiều dài khoảng 1.811km, bao gồm 16 đoạn tuyến với quy mô từ 4 - 8 làn xe, tổng vốn đầu tư trên 300 nghìn tỷ đồng.

Tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía đông sẽ sớm được hình thành để kết nối các trung tâm kinh tế trọng điểm, các đầu mối giao thông quan trọng, tạo khả năng liên kết cao với các phương thức vận tải khác (như đường sắt, cảng biển, sân bay...) nhằm nâng cao năng lực vận tải trên hành lang Bắc Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên QL1, nhất là tại cửa ngõ các đô thị lớn.

Nguồn vốn đầu tư xây dựng tuyến đường này được huy động từ ngân sách nhà nước dưới hình thức Chính phủ vay hoặc bảo lãnh vay; nguồn vốn do các nhà đầu tư huy động để đầu tư xây dựng theo các hình thức như BOT, BTO, BT, PPP… trong đó có thể có đóng góp một phần vốn từ ngân sách Nhà nước.

Theo đó, việc xây dựng tuyến đường bộ cao tốc này được chia thành từng đoạn khác nhau. Giai đoạn từ 2010 - 2020 xây dựng 1.469km (bao gồm cả việc mở rộng đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ) với tổng mức đầu tư khoảng 272,6 nghìn tỷ đồng. Hiện tại có 3 đoạn tuyến đang được tiến hành xây dựng gồm: Cầu Giẽ - Ninh Bình dài 50km, rộng 6 làn xe, tổng mức đầu tư 9.650 tỷ đồng; Bến Lức - Trung Lương dài 37km, 8 làn xe, tổng mức đầu tư 14.970 tỷ đồng và đoạn Dầu Giây - Long Thành dài 43km, 6 - 8 làn xe, tổng vốn đầu tư 16.340 tỷ đồng.

Từ năm 2011 - 2020 sẽ đầu tư các đoạn: Ninh Bình - Thanh Hóa, Thanh Hóa - Hà Tĩnh, Quảng Trị - Đà Nẵng, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Quảng Ngãi - Bình Định, Bình Định - Nha Trang; Nha Trang - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Long Thành - Bến Lức và Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Giai đoạn sau năm 2020 sẽ xây dựng 342km (bao gồm cả việc mở rộng đoạn Dầu Giây - Long Thành, Bến Lức - Trung Lương) với tổng mức đầu tư khoảng 68.723 tỷ đồng. Do địa hình ở nước ta kéo dài, nhiều đoạn địa chất phức tạp nên sẽ có những mức đầu tư khác nhau. Một số đoạn tuyến có vốn đầu tư lớn như: Bình Định - Nha Trang (35.905 tỷ đồng), Nha Trang - Phan Thiết (35.708 tỷ đồng), Quảng Ngãi - Bình Định (29.750 tỷ đồng)...

Sẽ có 3 Trung tâm điều hành vùng ở các khu vực phía Bắc, miền Trung và miền Nam để điều hành chung, theo dõi hoạt động quản lý khai thác trên toàn tuyến đường bộ cao tốc Việt Nam nói chung.

Sẽ thành lập Cục Đường cao tốc

Bộ GTVT vừa kiến nghị Chính phủ cho phép thành lập Cục Đường cao tốc trực thuộc Bộ GTVT với chức năng giúp Bộ trưởng Bộ GTVT về các vấn đề liên quan đến đường cao tốc, lĩnh vực hợp tác Nhà nước - tư nhân (PPP) trong đầu tư xây dựng và thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về đường bộ cao tốc trong cả nước.

Theo Bộ GTVT, Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 sẽ được xây dựng rất lớn bao gồm khoảng 43 tuyến có tổng chiều dài 5.873km với tổng mức đầu tư dự kiến là 766.220 tỷ đồng. Do có những đặc thù khác so với đường ôtô thông thường nên đòi hỏi phải có một cơ quan quản lý đầu tư xây dựng để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về đường bộ cao tốc trong cả nước.





Baoxaydung


� 2009 -2024  An Sơn JSC | Homepage