An Sơn JSC

Thời cơ lớn cho các dự án hạ tầng PPP

Trong bối cảnh các nguồn vốn dành cho giao thông ngày càng hạn chế thì PPP đang được kỳ vọng là cứu cánh để tăng nguồn lực và vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng. Dù còn rất nhiều thách thức do cơ chế chưa hoàn thiện, nhưng đây vẫn là thời cơ lớn để hình thức đầu tư còn khá mới mẻ này được sớm triển khai áp dụng vào thực tế.

Nhu cầu vốn lớn

Những năm gần đây, dù được kỳ vọng rất lớn nhưng việc huy động vốn theo hình thức hợp tác Nhà nước- Tư nhân (PPP) vẫn gặp rất nhiều khó khăn, cho tới thời điểm hiện nay gần như vẫn chưa có một dự án giao thông lớn nào thực hiện theo hình thức này. Hiện nay, theo thống kê, nhu cầu cho đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam khoảng 16 tỷ USD/năm, trong khi khả năng đáp ứng của Nhà nước chỉ khoảng 7-8 tỷ USD.

Bắt đầu từ năm 2010, Việt Nam đã phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông. Hầu hết các nguồn vốn đều ngày càng ít và cạn kiệt dần. Trong khi đó, từ nay đến năm 2020, vốn đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng ước tính chiếm khoảng từ 10 đến 11% GDP. Việc bố trí đủ vốn cho xây dựng hạ tầng giao thông là một thách thức rất lớn đối với Nhà nước và các cơ quan chức năng.

Năm 2011, tình hình vốn cho giao thông càng trở nên khó khăn hơn khi hầu hết các nguồn vốn cho các dự án đều thiếu. Hàng loạt các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và ngân sách Nhà nước bị đình hoãn và giãn tiến độ. Các dự án ODA dù vẫn tiếp tục được cấp vốn, nhưng trong thời gian tới, do Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình nên dự báo nguồn vốn này sẽ ít dần đi.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Trương Tấn Viên, nguồn vốn cần để đầu tư cho các dự án giao thông trong 5 năm tới (2011 - 2015) là rất lớn. Dự kiến, ngân sách nhà nước (kể cả ODA) sẽ chỉ đáp ứng 38% nhu cầu, nguồn trái phiếu Chính phủ đáp ứng 18%, còn lại phải huy động ngoài ngân sách khoảng 43%. Chính vì vậy, việc các cơ quan chức năng đặt kỳ vọng huy động vốn vào PPP là thực tế và hoàn toàn có cơ sở.

Thời gian vừa qua, rất nhiều dự án đường cao tốc lớn đang được xúc tiến và dự kiến triển khai theo hình thức PPP. Trong số đó phải kể tới các tuyến: Dầu Giây - Phan Thiết, Ninh Bình - Thanh Hóa, Mỹ Thuận - Cần Thơ, Nội Bài - Hạ Long, Hạ Long - Móng Cái, Dầu Giây - Đà Lạt, Bến Lức - Long Thành... Tuy nhiên, do hành lang pháp lý chưa có và chưa thể hiện được đầy đủ các yếu tố hài hòa lợi ích cũng như chia sẻ rủi ro giữa các bên liên quan nên hầu hết các dự án này vẫn chưa thể triển khai.

Những năm vừa qua, Bộ GTVT phải kiến nghị Chính phủ bố trí kinh phí cho công tác chuẩn bị nhiều dự án PPP giao thông để các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có đủ dữ liệu cần thiết về phương án tài chính, mức hỗ trợ tài chính chi tiết làm cơ sở mời thầu và đàm phán với các nhà đầu tư trong tương lai.

Thời cơ cho PPP

Dù trong năm 2010, Quy chế thí điểm cho PPP đã được ban hành, tuy nhiên áp dụng và triển khai vào thực tế vẫn còn rất nhiều khó khăn. PPP là một vấn đề hết sức phức tạp và vẫn còn rất nhiều điều phải bàn, đặc biệt khi bắt đầu bắt tay vào triển khai cụ thể từng dự án.

Trong đó, khó khăn nhất chính là việc đánh giá đúng hiệu quả dự án, hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa nhà nước với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực XDCB giao thông, trong hoàn cảnh vốn thiếu như hiện nay sẽ là đòn bẩy và là động lực để các cơ quan chức năng và các nhà đầu tư nỗ lực tìm ra tiếng nói chung và cơ chế thích hợp để sớm xúc tiến đầu tư các dự án PPP lớn.

Tại hội nghị cấp cao đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, bên lề hội nghị ADB mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Trương Tấn Viên cũng cho rằng, khó khăn lớn nhất đối với ngành GTVT là ngân sách nhà nước hạn chế, không đủ để đầu tư các dự án, nguồn cung cấp tín dụng trong nước thì lãi suất cao, thời hạn ngắn, không phù hợp với các dự án lớn. PPP là hình thức đầu tư mới, phù hợp với các dự án cơ sở hạ tầng giao thông ở Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra khi áp dụng hình thức này là phải có khung pháp lý ổn định, minh bạch để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế, Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng Huy Đông cho rằng, việc ban hành Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức PPP tạo hành lang pháp lý cho việc thu hút mạnh mẽ hơn các nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân để phát triển cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ công.

Chính phủ Việt Nam đang đặt kỳ vọng thực hiện thành cộng chính sách đầu tư theo mô hình PPP, qua đó, không chỉ thu hút nguồn vốn mà còn thu hút công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, hiệu quả của khu vực tư nhân, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.

Trong một vài năm tới, Việt Nam sẽ thực hiện thí điểm một số dự án PPP thuộc các lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật trọng yếu có nhu cầu vốn đầu tư lớn ở cả đường bộ, cầu, hầm, đường sắt,... “Cơ chế hợp tác PPP sẽ thu hút được nguồn vốn thương mại và các nguồn vốn khác do nhà đầu tư tư nhân huy động cho các dự án PPP, qua đó nâng cao được hiệu quả đầu tư, kiểm soát được nợ công trong hạn mức an toàn“- Thứ trưởng Đông cho biết.

Theo Giaothongvantai.com.vn


� 2009 -2024  An Sơn JSC | Homepage