Đến năm 2020 dự kiến sẽ hoàn thành một số tuyến đường sắt cao tốc thí điểm và đến 2030 sẽ hoàn thành toàn tuyến Bắc - Nam.
Đó là quy hoạch của Bộ Giao thông - Vận tải do ông Nguyễn Tiến Thịnh, Phó Trưởng phòng Kế hoạch và Đầu tư, Cục Đường sắt, trình bày tại Hội thảo Du lịch Đường sắt ngày 17/12.
Cũng theo ông Thịnh, Quốc hội chưa thông qua đề án đường sắt cao tốc do các con số nghiên cứu và đề xuất chưa thuyết phục nhưng thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục nghiên cứu triệt để đề án để trình Chính phủ.
Lễ ký hợp đồng tư vấn xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam (IE)
Đây là một đề án quan trọng trong kế hoạch cải tạo toàn bộ hệ thống đường sắt tại Việt Nam năm 2020 nhằm phục vụ mục tiêu vận tải đường sắt chiếm tối thiểu 13% hành khách và 14% hàng hóa trong toàn ngành giao thông vận tải.
Dự kiến kinh phí đầu tư cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam là khoảng 53 tỉ USD, trong khi nhu cầu vốn của ngành đường sắt tới năm 2020 là khoảng 85 tỉ USD.
Tuy thời gian qua, đề án này nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ xã hội và Quốc hội chưa thông qua nhưng ông Thịnh cho biết điều đó không có nghĩa là dừng nghiên cứu đề án. Cục Đường sắt sẽ hoàn thiện nghiên cứu khả thi để trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng xây dựng đường sắt cao tốc là "đi tắt đón đầu".
"Một kilometer đường sắt cao tốc đắt gấp 50 lần đường bộ, nhưng nếu không làm thì chúng ta sẽ tụt hậu," ông Cường khẳng định.
Cũng theo ông Cường thì xã hội mới chỉ nhìn nhận đường sắt cao tốc phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, nhưng thực chất, phương tiện này sẽ đóng góp rất lớn cho ngành du lịch.
Mạng đường sắt đô thị cũng là tâm điểm của quy hoạch phát triển tổng thể của ngành đường sắt trong thời gian tới. Theo đó, Hà Nội sẽ có 5 tuyến và TP.HCM sẽ có 6 tuyến đường sắt nội đô. Một số tuyến đường đã được triển khai xây dựng và dự kiến sẽ dần đưa vào khai thác từ năm 2014.
(DDDN)