An Sơn JSC

Giao thông Đồng Nai sẽ có nhiều đột phá

Theo quy hoạch phát triển giao thông Đồng Nai, đến năm 2015 nhiều dự án đường cao tốc sẽ được đưa vào khai thác và triển khai mới. Sự hình thành các tuyến cao tốc, ngoài việc giải quyết sẽ rút ngắn hành trình lưu thông hàng hóa. Đây còn là bước đệm quan trọng để các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tiến nhanh đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng của Chính phủ đến năm 2020.

Đẩy nhanh các dự án kết nối vùng

Cùng với TP.HCM, những năm gần đây cơ sở hạ tầng giao thông Đồng Nai dù đã được cải thiện nhiều và có bước phát triển đáng kể. Tuy nhiên do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông chưa bắt kịp với tốc độ phát triển kinh tế nên Đồng Nai chưa khai thác hết tiềm năng vốn có. Do vậy, việc đẩy nhanh các dự án có chức năng kết nối vùng luôn được Bộ GTVT và ngành Giao thông Đồng Nai đặc biệt chú trọng.

Xây dựng cầu Hóa An 2 trên sông Đồng Nai
Xây dựng cầu Hóa An 2 trên sông Đồng Nai

Theo Sở GTVT Đồng Nai: Trong giai đoạn từ nay đến năm 2015, các đường cao tốc và tuyến vành đai liên vùng sẽ được triển khai xây dựng và đưa vào khai thác gồm: TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Phan Thiết, Dầu Giây - Đà Lạt, Bến Lức - Nhơn Trạch - Long Thành; đường vành đai 4 liên vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; hoàn tất QL 51, QL 20 và QL 1A, tuyến tránh thành phố Biên Hòa...

Sự hình thành các tuyến cao tốc, đường vành đai nói trên sẽ rút ngắn hành trình từ TP.HCM đi Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, các tỉnh phía Bắc thúc đẩy kinh tế toàn vùng phát triển hình thành trục giao thông xương sống toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Về tiến độ một số công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh nêu trên, ông Nguyễn Văn Điệp, Giám đốc Sở GTVT Đồng Nai cho biết: Đến nay dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã bàn giao mặt bằng hơn 98% phần tuyến. Đã khởi công đồng loạt 5 gói thầu xây lắp, giá trị khối lượng thi công đạt bình quân 30%.

Dự kiến đưa vào khai thác vào cuối năm 2013. Trong khi đó dự án mở rộng QL 51: Đã thi công đạt 85% giá trị khối lượng, hiện đã thảm BTNN trên toàn tuyến; đang gấp rút triển khai thi công 18 cầu và các cống trên tuyến. Một dự án không kém phần quan trọng khác đó là tuyến tránh TP.Biên Hòa: Hiện nay chủ đầu tư đã nhận bàn giao mặt bằng được 3,9/12,2 km, thi công được 30% giá trị khối lượng công trình.

Hiện đang áp giá bồi thường phần tuyến; đã khởi công xây dựng 2 khu tái định cư trong tháng 10/2011. Dự án đường cao tốc Bến Lức - Nhơn Trạch - Long Thành: Hiện nay, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang triển khai bước lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật của dự án. Dự kiến khởi công vào cuối năm 2012.

Nâng cấp nhiều tỉnh lộ

Ông Nguyễn Văn Điệp cho biết: Được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự hỗ trợ của các sở ngành địa phương... tập trung tháo gỡ khó khăn trong giải quyết nguồn vốn, trong công tác GPMB, do vậy năm 2011 đã hoàn thành vượt kế hoạch được giao nhất là các dự án trọng điểm như: ĐT 769 vượt 118% kế hoạch, ĐT 767 vượt 211% kế hoạch, đường Hiếu Liêm hoàn thành tiến độ trước 1 tháng... Tính đến nay, hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh đã có những bước tiến tích cực, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho nhu cầu vận tải.

Theo định hướng phát triển hạ tầng giao thông ở Đồng Nai đến năm 2015 đã được UBND tỉnh phê duyệt, ngành GTVT sẽ tập trung đầu tư nâng cấp 15 tuyến đường tỉnh; 6 tuyến đường thủy nội địa và 2 cầu đường bộ với tổng kinh phí dự toán trên 11 ngàn tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách tỉnh chỉ có khả năng chi gần 5 ngàn tỷ đồng, còn lại kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT, BT và vốn huy động xã hội hóa.

Tuy nhiên, vị giám đốc Sở này cũng nhìn nhận trong công tác GPMB cũng như nguồn vốn đầu tư, do thực hiện Nghị quyết 11, Nghị quyết 83 của Chính phủ, đến nay một số dự án ở Đồng Nai phải tạm dừng và đến cuối năm mới có chủ trương tiếp tục thực hiện nên công tác quản lý, điều hành các dự án theo kế hoạch giao gặp nhiều khó khăn.

Chất lượng các công trình đang khai thác đã xuống cấp, lưu lượng phương tiện lưu thông ngày càng gia tăng nhưng kinh phí phân bổ chưa đầy đủ, kịp thời để sửa chữa nên công tác sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn cũng gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của xã hội.

Nguồn: Giaothongvantai.com


� 2009 -2024  An Sơn JSC | Homepage