Sau nhiều chờ đợi, mới đây thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành. Đây được xem như văn bản pháp lý đầu tiên và là “kim chỉ nam” để xúc tiến đầu tư PPP cho lĩnh vực hạ tầng giao thông, đặc biệt là rất nhiều tuyến cao tốc lớn.
Kỳ vọng lớn
Những năm gần đây, dù được kỳ vọng rất lớn nhưng việc huy động vốn theo hình hợp tác Nhà nước - Tư nhân (PPP) vẫn gặp rất nhiều khó khăn, cho tới thời điểm hiện nay, “cánh cửa” PPP cho dù rất được các cơ quan chức năng kỳ vọng để huy động một lượng vốn lớn cho hạ tầng giao thông nhưng gần như vẫn bị “đóng kín”. Nguyên nhân của việc này chủ yếu là do hành lang pháp lý chưa rõ ràng, khiến cho các nhà đầu tư tư nhân chưa thật sự yên tâm để “mở hầu bao” đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông.
Hiện nay, theo thống kê, nhu cầu cho đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam khoảng 16 tỷ USD/năm, trong khi khả năng đáp ứng của Nhà nước chỉ khoảng 7-8 tỷ USD. Bắt đầu từ năm 2010 này, Việt Nam đã phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông. Hầu hết các nguồn vốn đều ngày càng ít và cạn kiệt dần. Trong khi đó, từ nay đến năm 2020, vốn đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng ước tính chiếm khoảng từ 10 đến 11% GDP. Việc bố trí đủ vốn cho xây dựng hạ tầng giao thông là một thách thức rất lớn đối với Nhà nước và các cơ quan chức năng.
Thời gian vừa qua, rất nhiều dự án đường cao tốc lớn đang được xúc tiến và dự kiến triển khai theo hình thức PPP. Trong số đó phải kể tới các tuyến: Dầu Giây - Phan Thiết, Ninh Bình - Thanh Hóa, Mỹ Thuận - Cần Thơ, Nội Bài - Hạ Long, Hạ Long - Móng Cái, Dầu Giây - Đà Lạt, Bến Lức - Long Thành...
Tuy nhiên, do hành lang pháp lý chưa có và chưa thể hiện được đầy đủ các yếu tố hài hòa lợi ích cũng như chia sẻ rủi ro giữa các bên liên quan nên hầu hết các dự án này vẫn chưa thể triển khai. Bởi theo các chuyên gia trong lĩnh vực XDCB giao thông, suy cho cùng thực chất PPP chính là làm sao Chính phủ có thể đảm bảo được những lợi ích thiết yếu cho người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội.
Thời gian qua, Bộ GTVT phải kiến nghị Chính phủ bố trí kinh phí cho công tác chuẩn bị nhiều dự án PPP giao thông để các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có đủ dữ liệu cần thiết về phương án tài chính, mức hỗ trợ tài chính chi tiết làm cơ sở mời thầu và đàm phán với các nhà đầu tư trong tương lai.
“Mở cửa” PPP
Theo Quy chế thí điểm mới được ban hành, dự án thực hiện thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư phải đáp ứng được một trong các tiêu chí: là dự án quan trọng, quy mô lớn, có yêu cầu cấp thiết cho nhu cầu phát triển kinh tế; dự án có khả năng hoàn trả vốn cho nhà đầu tư từ nguồn thu hợp lý từ người sử dụng; dự án có khả năng khai thác được lợi thế về công nghệ, kinh nghiệm quản lý, vận hành và sử dụng hiệu quả năng lực tài chính của khu vực tư nhân; các tiêu chí khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, rất nhiều điểm quan trọng khác cũng được quy định, trong đó đặc biệt là vấn đề vốn. Quy chế quy định, thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư phải đảm bảo mục tiêu thu hút nguồn vốn của khu vực tư nhân trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng để cung cấp dịch vụ công.
Vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tối thiểu bằng 30% vốn của tư nhân tham gia dự án. Vốn của khu vực tư nhân tham gia dự án gồm vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, các nguồn vốn thương mại trong nước và quốc tế và các nguồn vốn khác được huy động theo nguyên tắc không dẫn đến nợ công. Nhà đầu tư có thể huy động vốn vay thương mại và các nguồn vốn khác (không có bảo lãnh của Chính phủ) tới mức tối đa bằng 70% phần vốn của khu vực tư nhân tham gia dự án.
Về phần tham gia của Nhà nước sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề xuất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tuy nhiên, tổng giá trị phần tham gia của Nhà nước cũng không vượt quá 30% tổng mức đầu tư của dự án (trừ trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định).
Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư sẽ được thực hiện trong thời gian từ 3-5 năm kể từ ngày có hiệu lực cho đến khi Chính phủ ban hành Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư thay thế Quy chế này.
Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực XDCB giao thông, PPP là một vấn đề hết sức phức tạp và vẫn còn rất nhiều vấn đề phải bàn, đặc biệt khi bắt đầu bắt tay vào triển khai cụ thể từng dự án. Trong đó khó khăn nhất chính là việc đánh giá đúng hiệu quả dự án, hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa nhà nước với các nhà đầu tư... Tuy nhiên, việc ban hành quy chế thí điểm vào thời điểm này cũng rất có ý nghĩa để từng bước mở cánh cửa PPP và thúc đẩy quá trình chuẩn bị đầu tư để sớm thu hút vốn triển khai nhiều dự án đường cao tốc lớn.
Theo giaothongvantai.com.vn