Mức lương tối thiểu vùng sắp tới đối với lao động làm việc tại doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ cao hơn hiện nay khoảng từ 100.000 đến 370.000 đồng mỗi tháng.
Chính phủ vừa ban hành nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với lao động Việt Nam làm việc cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc tại doanh nghiệp trong nước. Theo đó, mức lương này tùy theo vùng sẽ lần lượt áp với 2 mốc thời gian khác nhau là từ ngày 1/1/2011 và ngày 1/7/2011.
Mức lương tối thiểu cho lao động làm việc ở các đơn vị trên được chia theo 4 vùng. Riêng khu vực 1 (gồm Hà Nội và TP HCM) mức lương tối thiểu vùng tăng từ 210.000 đồng đến 370.000 đồng. Khu vực 2 có mức lương tăng từ 160.000 đồng 320.000 đồng. Khu vực 3 tăng 130.000- 240.000 đồng. Khu vực 4 tăng 100.000 đồng.
Sau điều chỉnh, mức lương tối thiểu cao nhất của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 1,55 triệu đồng (áp dụng với vùng I) và thấp nhất là 1,1 triệu đồng một tháng (áp dụng với vùng IV). Các vùng II và III áp dụng lần lượt 1,35 triệu và 1,17 triệu đồng một tháng. Hiện nay, mức lương của các doanh nghiệp tại 4 khu vực này dao động từ 1 triệu đến 1,34 triệu đồng mỗi tháng.
Với các doanh nghiệp trong nước, mức lương tối thiểu vùng mới sẽ dao động từ 830.000 đến 1,35 triệu đồng thay vì 730.000 đến 980.000 đồng mỗi tháng như hiện nay.
Mức lương tối thiểu vùng được dùng làm căn cứ tính các mức lương trong thang lương, bảng lương, các loại phụ cấp lương, các loại phụ cấp lương, tính các mức lương ghi trong hợp đồng lao động… Đối với người lao động đã qua học nghề mức tiền lương thấp nhất phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng. Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện mức lương tối thiểu cao hơn mức lương tối thiểu vùng.
Nguồn Vnexpress