An Sơn JSC

Khi dự án mở rộng cửa ngõ “chưa biết ngày khởi công”

Dự án BOT cầu, đường Bình Triệu 2 ban đầu được giao cho tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) đầu tư theo hình thức BOT. Công trình được khởi công từ năm 2000 và Cienco 5 đã hoàn thành được tiểu dự án 2 với các hạng mục xây mới cầu Bình Triệu 2, nâng cấp mở rộng các tuyến đường xung quanh bến xe miền Đông.

Trong dự án cầu đường Bình Triệu 2 chỉ có tiểu dự án xây mới cầu Bình Triệu 2 là hoàn thành. Ảnh: Từ An

Đến năm 2003, thành phố lại chủ trương mở rộng quốc lộ 13 từ ngã tư Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước lên 53m thay vì 32m. Theo tính toán của Cienco 5, khi thay đổi như trên sẽ khiến vốn đầu tư tăng hơn năm lần vượt khả năng của chủ đầu tư. Do đó, đến năm 2004, sau khi xây dựng xong cầu Bình Triệu 2 thì Cienco 5 đã bàn giao lại dự án này. Năm 2005, UBND TP.HCM giao lại dự án này cho CII làm chủ đầu tư, thực hiện giai đoạn 2 của dự án cầu đường Bình Triệu 2. Từ đó đến nay, ngoài việc thi công thêm được một tiểu dự án (tiểu dự án 3) nâng cấp, sửa chữa cầu Bình Triệu 1, còn các tiểu dự án còn lại gần như dậm chân tại chỗ.

Lý giải về sự chậm trễ này cũng như câu hỏi của dư luận về ngày hoàn thành dự án, theo bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, phó tổng giám đốc CII, tất cả là vướng ở công tác giải phóng mặt bằng và một số lý do khác; mà hai tiểu dự án giải phóng mặt bằng lại do quận Thủ Đức và Bình Thạnh làm chủ đầu tư. Bà Trâm nói: “Bản thân tôi cũng không thể biết được ngày nào có thể khởi công các tiểu dự án còn lại được”.

Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị (trên số báo ra ngày 3.8), ông Dương Quang Châu, giám đốc dự án công ty CII lại cho rằng, hiện ba tiểu dự án xây dựng còn lại của dự án cầu đường Bình Triệu 2 có tổng vốn đầu tư hơn 1.700 tỉ đồng. Số tiền như vậy là quá lớn nên việc duy trì hình thức đầu tư BOT để sau đó thu phí hoàn vốn là rất khó, vì càng thu càng lỗ!

Như vậy đã rõ, ở các tiểu dự án xây dựng còn lại, dù có hoàn thành giải phóng mặt bằng thì việc đầu tư theo hình thức BOT gần như bế tắc. Ông Châu hé lộ, CII dự tính thay đổi hình thức đầu tư, từ BOT sang BT chẳng hạn.

Tuy nhiên, BT là hình thức đầu tư được nhiều người cảnh báo là không nên. Tại hội thảo Thực hiện dự án đối tác công – tư do viện Nghiên cứu phát triển thành phố phối hợp với công ty cổ phần Saigon Media tổ chức vào ngày 17.7 ở TP.HCM, tiến sĩ Trần Du Lịch (đại biểu Quốc hội) đề xuất nên bãi bỏ hình thức đầu tư BT gắn với “đổi đất lấy hạ tầng” vì cơ chế này đã lạc hậu và không còn phù hợp. Mặt khác, chính cơ chế này đã tạo nhiều đất sống cho cơ chế xin cho. Theo ông Lịch, đã đến lúc tất cả cần phải minh bạch, công khai, miếng đất phải đem đấu giá, con đường phải đem đấu thầu. “Tuy chúng ta đang rất cần vốn để đầu tư hạ tầng nhưng không có nghĩa là ta đánh đổi tất cả để có được nó”, ông Lịch nói.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa (đại biểu Quốc hội) cũng cho rằng, hiện nay có nhiều dự án được đầu tư theo hình thức BT nhưng khi đầu tư doanh nghiệp chỉ quan tâm đến miếng đất được đổi mà không quan tâm đến xây dựng cây cầu, con đường. Hậu quả là dự án đầu tư kéo dài, đội vốn, công trình thi công xong kém chất lượng.

Sao không mua lại cầu Bình Triệu 1 và 2? Đó là câu hỏi của không ít bạn đọc khi CII mới bỏ ra trên 250 tỉ đồng nhưng đã vội vàng thu phí ở cả hai cây cầu kể trên. “Việc thu phí không chỉ gây kẹt xe mà còn gây bức xúc khi họ bắt chúng tôi trả phí đối với một công trình còn dang dở. Nếu họ chuyển hình thức đầu tư, tôi kiến nghị

thành phố nên mua lại cầu đường Bình Triệu 2 và 1 để người dân không phải đóng phí, vì thực tế số tiền bỏ ra không lớn”, ông Trương Hoàng Nam, một tài xế xe khách chạy tuyến TP.HCM – Bình Phước kiến nghị.
Với tất cả các diễn biến trên, cho thấy dự án mở rộng cửa ngõ Bình Triệu vẫn còn rất xa dù đây đã và đang là khu vực nóng về ùn tắc, kẹt xe của TP.HCM.

SGTT.VN


� 2009 -2024  An Sơn JSC | Homepage