Mục tiêu của việc áp dụng chỉ số giá xây dựng là tạo sự bình đẳng trong đấu thầu xây dựng và kiểm soát hiệu quả đầu tư từ công cụ dự báo giá. Tuy nhiên dự báo kịp thời diễn biến thị trường là vấn đề cần đặt ra.
|
Ảnh: Chinhphu.vn |
Chỉ số giá – công cụ kiểm soát hiệu quả đầu tư
Hội thảo về “Chỉ số giá xây dựng trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình” được Bộ Xây dựng tổ chức ngày 16/9 nhằm khẳng định sự cần thiết của chỉ số giá trong quản lý đầu tư xây dựng và tiếp nhận vướng mắc khó khăn trong quá trình thực hiện do yếu tố trượt giá từ địa phương, doanh nghiệp.
Chỉ số giá xây dựng được xác định theo nhóm công trình thuộc 5 loại: dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy lợi và hạ tầng kỹ thuật.
Thực tế, bài học về khâu dự báo chưa tốt của các cơ quan chức năng vào cuối năm 2007 dẫn tới nguy cơ phá sản của các nhà thầu xây dựng vì sự leo thang giá các mặt hàng vật liệu xây dựng vượt quá khả năng dự báo của các cơ quan quản lý đã được xem xét lại.
Khi đó, chi phí nguyên vật liệu của công trình thường chiếm từ 40-70% tổng dự toán. Theo đánh giá của Viện Kinh tế Xây dựng, Bộ Xây dựng, chỉ riêng sự thay đổi giá của 5 loại vật liệu chủ yếu là xi măng, thép xây dựng, đá, cát và gạch đã làm cho chi phí xây dựng tăng từ 1,25 – 1,4 lần.
Đợt tăng giá thép trong tháng 3/2010 là một thực tế mới hơn. Tại thời điểm đó, cứ 2-3 ngày thép lại có giá mới với mức tăng trung bình từ 300.000 – 500.000 đồng/tấn. Việc tăng giá thép một cách bất thường như vậy đã tác động lớn đến giá thành thi công công trình vì thép chiếm tỷ trọng rất lớn trong công trình dựng.
Dự báo cần theo kịp thị trường
Sau gần 3 năm công bố chỉ số giá xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, thực tiễn công tác quản lý chi phí các dự án từ sau khi ban hành Nghị định 99 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, khi giá xây dựng có những biến động bất thường, các chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng đã vận dụng chỉ số giá xây dựng để điều chỉnh tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng. Đặc biệt, hầu hết các dự án sử dụng nguồn vốn ODA đều có hướng dẫn sử dụng chỉ số giá xây dựng do Bộ công bố.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp xây dựng cho rằng, nguyên nhân quan trọng khiến các nhà thầu lúng túng, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản vào thời điểm giá nguyên vật liệu tăng cao là sự biến động về giá vượt quá khả năng dự đoán của các nhà thầu và chủ đầu tư.
Bởi để có căn cứ xác định mức giá mới, chủ đầu tư thường dựa vào thông báo giá của cơ quan chức năng để ra quyết định cho phép điều chỉnh. Tuy nhiên, có một thực tế là thông báo giá của nhiều địa phương luôn không theo kịp những biến động của thị trường…
Do đó, để dự báo theo sát diễn biến thị trường, nhiều doanh nghiệp nêu ý kiến, việc thông báo giá trên thị trường qua chỉ số giá cần phải kịp thời, đặc biệt là đối với các loại vật liệu có biến động lớn, không nhất thiết phải theo định kỳ mà theo từng thời điểm biến động, để nhà thầu và chủ đầu tư có cơ sở áp dụng.
Theo TS.Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, Bộ Tài chính, để tăng tính sát thực của chỉ số giá xây dựng cần mở rộng số lượng địa phương tính chỉ số giá xây dựng tới tất cả 63 tỉnh thành trong cả nước vì chỉ số này chịu tác động của tính địa phương rất mạnh. Việc giới hạn tính toán chỉ số giá xây dựng cho 9 khu vực gồm Hà Nội, Hải Phòng, Điện Biên, Quảng Trị, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắc Lắc, Tp.HCM và Cần Thơ như hiện nay làm giảm giá trị và ý nghĩa đại diện của chỉ số giá xây dựng.
Ông Trần Đăng Luyến, Cục Quản lý xây dựng công trình, Bộ NNPTNT cho rằng cần tăng việc kiểm soát chất lượng của chỉ số xây dựng trong trường hợp số liệu công bố giữa các tổ chức tư vấn và với các cơ quan chức năng có sự chênh lệch, sai khác về giá trị. Đây là yếu tố dễ dẫn đến sự tùy tiện và lạm dụng của chủ đầu tư trong việc tính giá công trình.
Theo Chinhphu.vn