Ngày 8/8, cảng quốc tế Long An sẽ chính thức được khởi công xây dựng. Dự án do Cty CP Đồng Tâm và VinaCapital làm chủ đầu tư. Dự án này đã được tỉnh và chủ đầu tư nghiên cứu, phân tích vị trí địa lý cũng như vị thế trong khu vực và đánh giá được tính khả thi của dự án. Chủ tịch UBND tỉnh Long An Dương Quốc Xuân đi thực địa.
Một vùng đất ngay cửa sông Soài Rạp hướng ra biển Đông thuộc huyện Cần Giuộc sẽ được đầu tư xây dựng thành một cảng biển quốc tế. Dự án nằm ở phía Đông huyện Cần Giuộc, trên sông Soài Rạp. Mục tiêu của dự án là lấy cảng biển làm hạt nhân để biến nơi đây thành một khu vực tập trung kinh tế gồm KCN, Khu dịch vụ phục vụ công nghiệp và Khu đô thị mới với tổng vốn đầu tư hạ tầng gần 1 tỉ USD. Cảng Long An hình thành sẽ giải quyết xuất nhập khẩu hàng hóa, vật tư, nguyên liệu cho các huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Bến Lức, Đức Hòa, các địa phương khác trong tỉnh và khu vực, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Long An. Hàng hóa nông sản, thủy hải sản và trái cây của các tỉnh ĐBSCL xuất khẩu đi các nước sẽ không phải vận chuyển lên TP.HCM để chờ thông quan qua cảng Sài Gòn nữa mà sẽ cập ngay vào cảng quốc tế Long An bằng cả đường bộ lẫn đường thủy. Nhờ thế sẽ giảm bớt được chi phí và thời gian vận chuyển, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.
Tương lai, đây sẽ là cảng sầm uất với công suất thông qua 15 triệu tấn/ năm.
Ông Dương Quốc Xuân - Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, phát triển công nghiệp và dự án cảng Long An là sự lựa chọn tối ưu cho phát triển kinh tế - xã hội vùng hạ. Bởi, địa lý tự nhiên của vùng đất này không thuận lợi để khai thác nông nghiệp vì bị nhiễm mặn, mỗi năm chỉ trồng được một vụ lúa vào mùa mưa nhưng hiệu quả rất thấp. Vì vậy quy hoạch vùng này thành KĐT cảng và công nghiệp sẽ không ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Tuy nhiên, địa phương phải tính đến việc tái định cư cho người dân và bố trí việc làm cho người lao động trong khu vực khi triển khai xây dựng cảng và các dự án thành phần như khu công nghiệp và khu dịch vụ công nghiệp. Tổ chức tái định cư và giải quyết việc làm cho người dân là ưu tiên số một. Ngoài ra, UBND tỉnh còn lưu ý các nhà đầu tư về việc phải bảo đảm nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt của người dân trong các khu tái định cư, vì vùng này quanh năm thiếu nước ngọt. |
Cảng sẽ tiếp nhận được các tàu biển trọng tải đến 30.000 DWT, đặc biệt, khi sông Soài Rạp được nạo vét thì cảng Long An sẽ tiếp nhận được tàu có trọng tải đến 70.000 DWT. Công suất thông quan giai đoạn 1 (năm 2011) là 2,5 triệu tấn/năm; công suất thông quan giai đoạn 2 (năm 2015) là 9,3 triệu tấn/năm; Công suất thông quan giai đoạn 3 (năm 2020) dự kiến 15 triệu tấn/năm. Cảng Long An được nối thông với mạng lưới đường thuỷ nội địa của khu vực phía Nam và các tỉnh ĐBSCL. Hiện tại mạng lưới giao thông đường thuỷ này có khả năng lưu thông các loại tàu trọng tải từ 1.000 ÷ 5.000 DWT. Như vậy việc vận chuyển hàng bằng đường thuỷ giữa khu vực cảng Long An với nội tỉnh và các tỉnhNam bộ rất linh hoạt. Sông Soài Rạp được nối liền với sông Vàm Cỏ, từ đây sẽ chia thành 2 nhánh: Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây tiến sâu vào lãnh thổ tỉnh Long An và Tây Ninh. Nhánh Vàm Cỏ Tây có chiều dài 149,5km; nơi rộng nhất 147m, nơi hẹp nhất 83m, đi qua địa phận TP Tân An và các huyện Tân Trụ, Châu Thành, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Thủ Thừa, Mộc Hoá, Vĩnh Hưng của tỉnh Long An. Đây là tuyến vận tải đường thuỷ chính của vùng Đồng Tháp Mười. Các sản phẩm hàng hoá nông nghiệp sản xuất của tỉnh chủ yếu sẽ vận chuyển về cảng Long An theo nhánh này. Nhánh Vàm Cỏ Đông: chiều dài 156,2km, nơi rộng nhất 187m, nơi hẹp nhất 89m đi qua địa phận các huyện của tỉnh Long An như Tân Trụ, Bến Lức, Đức Hoà, Ðúc Huệ. Tuyến đường thuỷ này là tuyến vận tải hàng hoá cho các huyện trên và một số huyện của tỉnh Tây Ninh. Tuyến sông Rạch Các chạy song song với QL50, nằm trên địa phận 2 huyện Cần Đước và Cần Giuộc của tỉnh Long An, là một đoạn yết hầu quan trọng của 2 tuyến đường thuỷ nội địa quốc gia để vận chuyển hàng hoá giao lưu giữa TP.HCM với các tỉnh ĐBSCL. Cảng Long An khi được xây dựng sẽ là cảng biển nối với 2 tuyến đường thuỷ TP.HCM - Kiên Lương và TP.HCM - Cà Mau. Đây là hai tuyến đường thủy quan trọng, có năng lực vận tải hàng hóa rất lớn cho khu vực ĐBSCL. Khi dự án cảng Long An đi vào hoạt động, hệ thống đường thủy được khai thác thì sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương nơi có tuyến đường thủy đi qua. Về lợi ích kinh tế - xã hội, khi chuyển từ vận tải đường bộ sang đường thủy, các doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được chi phí và thời gian vận chuyển. Trước mắt, chính quyền các địa phương triển khai các dự án bến cảng nhỏ làm trạm trung chuyển để bốc dỡ hàng hóa, người dân có cơ hội việc làm và kinh doanh các loại hình dịch vụ. Giao thông đường thủy hoạt động tốt sẽ hỗ trợ đắc lực để phát triển kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục cho các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Một triển vọng khác đang mở ra, khi hệ thống đường thủy ĐBSCL được đánh thức, thì vùng đất sẽ có thêm điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch một loại tiềm năng du lịch sông nước đang bị ngủ quên. Cảng Long An sẽ là hạt nhân để hình thành một vùng phát triển công nghiệp, dịch vụ và khu đô thị hiện đại tại huyện Cần Giuộc. Tổng diện tích của dự án 1935 ha. Chính sách ưu đãi và đặc quyền dành cho nhà đầu tư
BQL KCN Long An (BLAIZ) cung cấp dịch vụ một cửa đến với những nhà đầu tư trong KCN Long An. Nhà đầu tư có thể cập nhật thông tin, cơ cấu thủ tục, sự khuyến khích, những đặc quyền, những thông tin liên quan ở mọi phương diện cho việc đầu tư trong KCN. Từ đầu tháng 10/2008, tỉnh Long An chính thức đưa vào áp dụng mô hình một cửa liên thông trong đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư, đăng ký thuế, đăng ký khắc dấu… Thông qua cổng thông tin điện tử được kết nối liên ngành, các DN có thể xin giấy phép đầu tư, giấy đăng ký kinh doanh, đăng ký cấp con dấu hành chính, khai báo thuế qua mạng. Ngoài ra còn hỗ trợ các dịch vụ trực tuyến khác như hỏi đáp, thắc mắc, khiếu nại, truy cập các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước về lãnh vực đầu tư. Các nhà đầu tư còn được ưu đãi về thuế, được hỗ trợ, hướng dẫn các thủ tục pháp lý từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chính sách khuyến khích định cư đối với các chuyên gia và người thân, chuyển lợi nhuận bằng ngoại tệ, quyền sử dụng bất động sản đối với người nước ngoài. |
|