Vành đai 3, đường 32, Láng - Hòa Lạc (Hà Nội) hay đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, đại lộ Đông Tây... là những công trình sẽ hoàn thành trong năm 2010, hạn chế nạn ùn tắc giao thông nghiêm trọng ở các thành phố. Cầu Vĩnh Tuy Đây là cây cầu tổng vốn 3.600 tỷ đồng để giảm tải cho cầu Chương Dương, Long Biên, lưu thông phương tiện ở cửa ngõ phía đông đi vào trung tâm thành phố Hà Nội. | Cầu Vĩnh Tuy đã thông xe song chưa hoàn thiện. Ảnh: Xuân Tùng. |
Cây cầu dài 5,8 km, trong đó cầu vượt sông dài 3,7 km, được quy hoạch rộng tới 38 mét, hiện đã được thông xe song sẽ hoàn chỉnh dự án vào tháng 6/2010. Cầu Thanh Trì Cầu Thanh Trì nối với đoạn phía nam vành đai 3 tạo thành tuyến giao thông quan trọng của thủ đô Hà Nội. Cây cầu này đi vào hoạt động sẽ lưu thông phương tiện từ phía bắc đi phía nam mà không qua nội đô Hà Nội. Với tổng vốn 7.600 tỷ đồng, cầu Thanh Trì dài 12 km, trong đó cầu chính dài 3 km với 6 làn xe và 6 km đường dẫn phía Thanh Trì, 3,5 km đường dẫn phía Gia Lâm. | Cầu Thanh Trì đã thông xe phần cầu chính, đường dẫn phía nam chưa hoàn thành. Ảnh: Hoàng Hà. |
Sau nhiều năm triển khai, dự án đã hoàn tất phần cầu chính và đường dẫn phía Gia Lâm, còn đường dẫn phía Thanh Trì và các nút giao lập thể vẫn đang được triển khai, dự kiến sẽ hoàn tất trong năm nay. Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Pháp Vân Vành đai 3 bao quanh nội đô Hà Nội đang được định hình, từ Mai Dịch - Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Thanh Xuân nam - cầu Đại Từ - Linh Đàm - Pháp Vân đến cầu Thanh Trì, giúp người dân có thể lưu thông dễ dàng từ các hướng tuyến mà không phải vào nội đô. Theo kế hoạch tới năm 1013, toàn bộ tuyến Mai Dịch - Pháp Vân giai đoạn 2 sẽ là cầu vượt. Song trong giai đoạn 1 trong năm 2010, sẽ hoàn thành tuyến Mai Dịch đến cầu Đại Từ với mặt đường rộng từ 68 đến 78m, nối với cầu vượt đoạn Linh Đàm - Pháp Vân. Đường cao tốc Láng - Hòa Lạc Đường cao tốc Láng - Hòa Lạc dài 29 km, đi qua một loạt các huyện Từ Liêm, huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất. Tuyến huyết mạch phía tây này hoàn thành sẽ góp phần phát triển các đô thị vệ tinh của Hà Nội như Miếu Môn - Hòa Lạc - Xuân Mai và thông tuyến đường Hồ Chí Minh. | Đường cao tốc Láng - Hòa Lạc mới hoàn chỉnh đoạn phía trước Trung tâm hội nghị quốc gia. Ảnh:Hoàng Hà. |
Tuyến cao tốc quy mô lớn với mặt đường rộng 140 m, có 4 làn đường tách biệt: gom trái, cao tốc trái, gom phải, cao tốc phải và 3 hầm chui, 12 nút giao, 13 cầu vượt... Quốc lộ 32 Từng được nhiều người ví là "con đường đau khổ", tuyến huyết mạch phía tây bắc Hà Nội bị ngừng trệ thi công từ năm 2003. Chậm tiến độ, quốc lộ 32 đoạn qua huyện Từ Liêm như một nút cổ chai, luôn lâm cảnh ùn tắc giao thông do lưu lượng phương tiện qua lại lớn. Tới nay, đoạn Nhổn - Sơn Tây đã cơ bản hoàn thành nhưng đoạn Nhổn - Cầu Diễn vẫn còn ngổn ngang. Tuy nhiên, theo khẳng định của ông Nguyễn Kim Vinh, Phó chủ tịch UBND huyện Từ Liêm, trước Tết Nguyên đán này, sẽ hoàn tất giải phóng mặt bằng đường 32 để tiến hành mở rộng tuyến đường. Theo thiết kế, đoạn đường có bề rộng 50 m, gồm 8 làn xe, sẽ hoàn tất vào dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long Hà Nội. Thông xe một phần Đại lộ Đông Tây Khởi công ngày 31/1/2005, Đại lộ Đông Tây xẻ dọc thành phố, được ví như "con rồng" uốn lượn nối từ Đông sang Tây Sài Gòn, đã dần được hoàn thiện. Ngày 2/9, con đường chính thức được thông xe giai đoạn 1 dự án, tuyến dài 13,4 km tính từ nút giao quốc lộ 1A (huyện Bình Chánh) tới cầu Calmet, quận 1. | Đại lộ Đông Tây sẽ triếp tục được hoàn thiện năm 2010. Ảnh: Kiên Cường. |
Dự kiến, tháng 3/2010, dự án sẽ tiếp tục hoàn chỉnh việc xây dựng đường phía Tây và mở rộng đường ven kênh. Dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc Thị Nghè Được triển khai từ tháng 12/2006, dự án môi trường lớn nhất TP HCM lúc đó được chờ đợi đem đến môi trường tốt hơn cho thành phố với mục tiêu xử lý nước thải, chống ô nhiễm lòng kênh, cải tạo chỉnh trang lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. | Dự án Vệ sinh môi trường TP HCM lưu vực Nhiêu Lộc Thị Nghè có thể hoàn thành giữa năm sau. Ảnh: Kiên Cường. |
Dự án chạy suốt dọc 56 km đường TP HCM, phải mở đến khoảng 140 vị trí đào đường, rào chắn, chiếm đến 50% lô cốt trên toàn thành phố. Tiến độ thi công liên tục chậm trễ. Cuối năm nay, Ngân hàng thế giới buộc phải gia hạn thời gian hoàn thành dự án đến tháng 6/2010. Đường cao tốc TP HCM - Trung Lương Khởi công cuối năm 2004 với tổng chiều dài 61,9 km, kế hoạch ban đầu đường cao tốc từ TP HCM đi Tiền Giang sẽ hoàn thành vào cuối năm 2007. Song đến cuối năm nay, dự án vẫn chưa thể đi đến giai đoạn cuối. Tuyến này được thiết kế 8 làn xe, nhiều đoạn xây dựng cầu cạn, không có giao cắt đồng mức với các tuyến đường khác... Đường cao tốc nối TP HCM với Tiền Giang là một phần của tuyến đường cao tốc TP HCM - Cần Thơ. Điểm đầu tuyến là nút giao thông Chợ Đệm, xã Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP HCM. Điểm cuối là nút giao thông Thân Cửu Nghĩa (km 50) huyện Châu Thành, Tiền Giang. | Cao tốc TP HCM - Trung Lương đang gấp rút hoàn thành. Ảnh: Kiên Cường. |
Dự kiến đầu năm 2010, đường cao tốc sẽ được khánh thành và đưa vào sử dụng. Đường Rừng Sác - con đường ra biển Đông của Sài Gòn Tuyến đường huyết mạch từ trung tâm TP HCM ra Cần Giờ - hướng biển Đông, được đầu tư từ năm 2002. Một năm sau, thành phố tiếp tục đầu tư xây dựng 7 cây cầu trên tuyến này. Nhưng đến nay, đường Rừng Sác thi công ỳ ạch nhếch nhác, cầu trên tuyến thì liên tục bị "treo" vì nhiều lý do. Theo thời gian, vốn đầu tư tăng lên quá lớn, con đường được kỳ vọng bỗng trở thành bộ mặt xấu của TP HCM. Đến nay, đường vẫn đang được tiếp tục thi công để mở rộng lên 4-6 làn xe. Dự kiến công trình hoàn thành trong năm 2010.
(Theo VnExpress) |