An Sơn JSC

Giải bài toán vốn cho XDCB giao thông

Trong lúc hàng loạt các dự án giao thông đang bị đình hoãn, giãn tiến độ, vốn dành cho đầu tư XDCB của năm 2011 gần như đã giải ngân hết thì dự báo 2012 nguồn vốn cho lĩnh vực này vẫn còn rất khó khăn.








“Cạn” vốn đầu tư XDCB giao thông

Theo báo cáo của Bộ GTVT, tính đến hết tháng 8/2011, hầu như tất cả các nguồn vốn giao kế hoạch đầu năm đều giải ngân và thực hiện hết. Trong đó , nguồn ngân sách Nhà nước được Thủ tướng giao 6.040 tỷ đồng thì đã thực hiện lên đến 7.782 tỷ đồng, vượt 29% và giải ngân lên đến 8.443 tỷ đồng, vượt gần 40%. Vốn ODA thực hiện 5.683 tỷ và giải ngân 6.127 tỷ đồng vượt gần 2 lần so với kế hoạch giao chỉ là 3.500 tỷ đồng.

Với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cũng trong cảnh tương tự. Nguồn vốn này Thủ tướng giao 11.000 tỷ đồng, tuy nhiên đến hết tháng 8/2011 gần như đã giải ngân và thực hiện xong. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức, nhu cầu của ngành GTVT với nguồn vốn này trong năm nay cần đến khoảng 23.000 tỷ đồng và nếu triển khai quyết liệt có thể lên đến khoảng 37.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, với số vốn giao ít ỏi trên thì dù “thắt lưng, buộc bụng” mấy cũng thiếu.

Bên cạnh các nguồn vốn trên, với các dự án sử dụng vốn ứng trước kế hoạch 2012 cũng không thực sự được suôn sẻ. Dù Thủ tướng đã có ý kiến cho phép sử dụng 300 tỷ đồng vốn ngân sách để bố trí triển khai cầu Bà Rén, QL37. Tuy nhiên, tháng 8/2011, Bộ Tài chính đã có văn bản trước mắt chỉ cho ứng trước 50% vốn cho các dự án đủ thủ tục với tổng số tiền là 150 tỷ đồng.

Thay đổi cách tiếp cận và phân bổ vốn

Trong Kế hoạch phát triển GTVT năm 2012 được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ thì danh mục dự án và nhu cầu vốn đầu tư rất lớn. Theo đó, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ bố trí tối thiểu 15.000 tỉ đồng vốn ngân sách cho 87 dự án, trong đó có 41 dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); 20.000 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho 120 dự án.

Bộ GTVT cũng sẽ huy động ngoài ngân sách Nhà nước khoảng hơn 20.000 tỉ đồng cho 40 dự án đang thực hiện dưới hình thức BOT và hợp tác công tư PPP. Nếu không bố trí, huy động đủ số vốn nói trên, thì không chỉ tiến độ nhiều dự án trọng điểm bị “vỡ”, mà còn ảnh hưởng xấu tới kế hoạch phát triển trung hạn của toàn Ngành. Hơn nữa, tiến độ chuẩn bị, triển khai 248 dự án giao thông nhóm A, B cũng phụ thuộc nhiều vào khả năng bảo vệ kế hoạch phát triển năm 2012 và năng lực huy động vốn ngoài ngân sách của Bộ GTVT.

Tuy nhiên, với việc Chính phủ vẫn chủ trương thực hiện các biện pháp cắt giảm đầu tư công, kiềm chế lạm phát trong năm 2012 thì có thể nhu cầu vốn trên của ngành GTVT khó được đáp ứng. Đây có thể coi là một bài toán hết sức nan giải đối với công tác XDCB của ngành GTVT, đặc biệt trong bối cảnh phải tạo được bước đột phá về lĩnh vực hạ tầng giao thông để phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới. Đứng trước bài toán khó này, đòi hỏi ngành GTVT phải có bước đột phá, đặc biệt trong cách tiếp cận xây dựng kế hoạch và phân bổ, bố trí vốn.

Mới đây nhất, tại cuộc họp giao ban Bộ GTVT tháng 8/2011, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, cần phải thay đổi cách tiếp cận trong xây dựng kế hoạch vốn, thay vì xây dựng trên cơ sở nguồn vốn hiện có thì phải căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ của Ngành.

Trong đó cần đề xuất các giải pháp, cơ chế tạo nguồn lực mới trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, nhất là việc huy động nguồn vốn ngoài ngân sách từ những tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, phải nghiên cứu thay đổi cách thức phân bổ vốn, thay vì chỉ phân bổ hàng năm thì cần phân bổ theo mục tiêu hoàn thành các dự án trong cả nhiệm kỳ kế hoạch 5 năm, theo thứ tự ưu tiên.

Việc làm này là hết sức quan trọng để tránh dàn trải vốn và có thể tập trung hoàn thành dứt điểm những dự án cụ thể để sớm đưa vào sử dụng, khai thác mang lại hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế- xã hội.


www.giaothongvantai.com


� 2009 -2024  An Sơn JSC | Homepage