Dài 50 km, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình sắp thông xe sau 7 năm xây dựng. Tuyến đường sẽ cấm xe máy, xe thô sơ và thu phí ôtô qua thẻ.
Năm 2004, Thủ tướng phê duyệt xây dựng cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với 6 làn xe, tốc độ tối đa 120 km/giờ. Điểm đầu tuyến là Cầu Giẽ (quốc lộ 1) và điểm cuối giao cắt với quốc lộ 10 của tỉnh Nam Định.
Ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) - chủ đầu tư cho hay, sau 7 năm thi công hiện nhiều hạng mục đã được hoàn thiện, đường được thảm lớp bê tông nhựa tạo nhám, hai bên có lưới sắt để tránh gia súc, dải phân cách giữa đường được trồng cây xanh. Tuy nhiên, cả tuyến vẫn còn 700 m đường phải chờ bù lún sau khi thông xe ngày 30/6.
Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình sẽ cấm xe máy. Ảnh: Đoàn Loan.
Lý giải việc chậm tiến độ, ông Tuấn Anh cho rằng, do ách tắc khâu giải phóng mặt bằng, nhiều hộ dân cản trở thi công và hiện vẫn còn một số khu vực chưa giải tỏa xong. Ngoài ra, năng lực một số nhà thầu không đạt yêu cầu nên chủ đầu tư phải thay thế như Công ty 319, Sông Hồng, Cienco 8...
Theo lãnh đạo VEC, cao tốc sẽ cấm môtô, xe đạp, xe thô sơ, xe quá khổ, quá tải, chỉ cho phép lưu hành các loại ôtô con, xe khách, xe tải, xe container. Trong giai đoạn đầu, phương tiện được chạy tối đa 100 km/giờ. Xe đi vào cao tốc sẽ được phát thẻ và trả tiền sau khi ra khỏi tuyến. Mức thu phí đang được nghiên cứu trình Bộ Tài chính xem xét.
"Theo tính toán, nếu thu phí 2.500 đồng/km thì chủ đầu tư mới đủ hòa vốn trong 30 năm. Song, căn cứ vào tình hình thực tế thì chúng tôi sẽ phải đưa ra mức phí mà các chủ phương tiện chấp nhận được", ông Mai Tuấn Anh nói.
Tuyến đường đượ đặt 3 trạm thu phí kín. Ảnh: Đoàn Loan.
Trước đó, cuối năm 2011, VEC khai thác tạm đoạn cao tốc Cầu Giẽ - Phủ Lý dài 20 km, với mức thu phí thấp nhất là 30.000 đồng mỗi xe dưới 12 chỗ.
Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được nối tiếp với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 30 km, góp phần rút ngắn thời gian từ Hà Nội tới Ninh Bình chỉ còn hơn một giờ.
Nguồn: VnExpress