Dưới đây là 10 kỳ quan kiến trúc vĩ đại nhất thế giới dưới đánh giá của nhà kiến trúc sư lừng danh, Cecil Balmond hiện là phó chủ tịch của tập đoàn tư vấn và thiết kế Arup.
Cầu cạn Millau
Cầu cạn Millau lúc hoàn thành đã phá vỡ 3 kỉ lục thế giới: cột tháp trụ cầu cao nhất, cột cao nhất và sàn cầu cạn cao nhất thế giới. |
Việc xây dựng cầu đường bộ dây văng bắc qua lưu vực sông Tarn gần Milau, miền nam nước Pháp thể hiện một sự táo bạo lớn. Tính từ đỉnh, các cột bê tông cao nhất của cây cầu cao tới 343 m (riêng phần trụ cầu đã cao 244 m), cao hơn so với tháp Eiffel và chỉ thấp hơn tòa nhà Empire State 38 m. Đây cũng là cây cầu phá nhiều kỉ lục về độ cao.
Cecil Balmond cho rằng thiết kế của cây cầu rất táo bạo theo cách riêng của nó. Vấn đề ở đây nằm ở hình dáng mảnh mai trông có vẻ không vững chắc một cách tự nhiên của cây cầu. Không đơn thuần chỉ về mặt tính toán, các kỹ sư chắc chắn đã phải rất can đảm và tự tin về thiết kế của mình.
Mái vòm của Brunelleschi
Bên trong mái vòm ở nhà thờ Santa Maria del Fiore không hề có một giá đỡ.
Được xây dựng từ năm 1420 đến 1436, mái vòm của nhà thờ Santa Maria del Fiore ở Florence, Italy đặc biệt ở chỗ nó đã đứng vững mặc dù không có sự nâng đỡ của một bộ khung nào.
Kiến trúc sư Filippo Brunelleschi đã thành công trong việc hoàn thành mái vòm khi quả quyết rằng ông sẽ không cần đến bất kỳ một giá đỡ nào bên trong, một điều không thể tin nổi vào thời điểm đó. Nhưng ông đã sáng tạo ra những cách thức hoàn toàn mới cho việc chia sẽ tải trọng của mái vòm để giúp nó không bị đổ.
Thánh đường Hagia Sophia
Thánh đường Hagia Sophia đã tạo một bước đột phá trong lịch sử kiến trúc.
Hagia Sophia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ đã làm thay đổi lịch sử kiến trúc, cụ thể là cách con người nhìn nhận về không gian. Thánh đường này là nơi thờ cúng lớn nhất cho đến khi thánh đường Seville được xây dựng vào năm 1520.
Đây là nơi đã phát minh ra khái niệm về truyền tải trọng gián tiếp, các mái vòm được xây dựng hình vỏ sò đã tạo ra bước đột phá trong kiến trúc.
Hệ thống đê biển Delta Works ở Hà Lan
Biểu tượng cho sức mạnh chinh phục thiên nhiên của con người.
Năm 1953, một trận lụt lớn đã làm 1.800 người chết tại Hà Lan, chính quyền sau đó đã ý thức được việc phải tiếp tục nâng cấp hệ thống đê biển. Kết quả là họ đã lập kế hoạch chặn các cửa sông dẫn đến Antwept và Rotterdam.
Đại công trình Delta Works đã được xây dựng với các con đê đập, đê biển, đê chống bão, cống thoát và điều chỉnh nước… trên quy mô rất lớn làm thay đổi toàn bộ đường bờ biển. Riêng ở khu vực Ondense, hệ thống đê biển đã được thiết kế có thể “chọi” lại với mực nước dâng trong 10.000 năm.
Hiện nay, với mực nước biển dự kiến vấn tiếp tục tăng, công việc mở rộng và tăng cường cho các con đê biển và đê sông ước tính vẫn tiếp tục trong khoảng 100 năm nữa.
Kim tự tháp Khufu
Các kim tự tháp ở Giza đã giữ ngôi vị "tòa nhà" cao nhất thế giới trong gần 4.000 năm
Kim tự tháp Khufu (Kheops) lớn nhất trong ba kim tự tháp ở Giza, Ai Cập. Trong gần 4.000 năm cho tới trước khi thánh đường Lincoln được xây dựng vào khoảng những năm 1300 thì đây chính là “tòa nhà” cao nhất thế giới.
Sự ấn tượng của nó nằm ở sự chính xác hoàn hảo của các khối đá được xếp chồng lên nhau. Điều đó là không hề dễ dàng, nhất là với các công cụ thô sơ vào năm 2700 trước Công Nguyên. Sự sắp xếp, tỉ lệ và số đo các góc cũng chính xác đến mức khó tin, kim tự tháp này cũng tuân theo “tỉ lệ vàng”, một khái niệm thẩm mỹ được người Hy Lạp phát triển về sau này.
Hệ thống thoát nước ngầm của London
Công trường xây dựng hệ thống thoát nước thải của London do kiến trúc sư Bazalgette đứng đầu.
Vào những năm 1850, khi vấn đề về thoát nước thải xuống đến mức trầm trọng khiến cả London “bốc mùi” hôi thối và dịch tả lan tràn, thành phố nhất thiết phải có một hệ thống dẫn nước thải mới. Kỹ sư Joseph Bazalgette là người đứng đầu công trình, ông đã cho xây dựng một hệ thống thoát nước bao gồm 134 km đường cống chính, 1.770 km đường cống nước cho các con phố và 21.000 km các đường cống phụ dưới lòng đất. Ông cũng đã làm một điều hết sức tuyệt vời là với mọi tính toán về dòng chảy của nước thải, ông đều tăng lên gấp đôi để phòng bị cho tương lai. Và nhờ quyết định sáng suốt đó, 100 năm sau London đã không phải chịu một vấn đề tương tự về nước thải.
Đấu trường Colosseum
Di tích đấu trường La Mã vào ban đêm ở thủ đô Roma, Italy.
Công trình kiến trúc mang tính biểu tượng này được xây dựng tại Rome từ năm 70 đến 82 sau Công Nguyên. Được coi như một phát minh kiến trúc của người La Mã, đấu trường Colosseum mang vẻ đẹp của không gian mở đồng thời vẫn có được sự vững chắc. Công trình bao gồm 4 tầng trên mặt đất và 3 tầng hầm. Sức chứa của nó vào khoảng 50.000 người nhưng lại có thể sơ tán toàn bộ người xem chỉ trong vòng 8 phút, điều mà khó có một sân vận động nào ngày nay có thể thực hiện được.
Đường hầm qua eo biển Manche
Đường hầm vượt biển đầu tiên trên thế giới nối liền Anh và Pháp.
Trong quá khứ, ý tưởng về việc kết nối xuyên biển giữa hai quốc gia được cho là hoang đường. Tất nhiên, ngày nay Đan Mạch đã nối liền với Thụy Điển, Macao đã nối liền với Trung Quốc, nhưng dự án đầu tiên như thế này lại là đường hầm qua eo biển Manche. Đây là một hầm đường sắt dài 50.54 km bên dưới biển Manche nối Folkestone, Kent của Anh với thị trấn Coquelles gần Calais của Pháp. Đường hầm hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 1994.
Kênh đào Panama
Công trường xây dựng một âu thuyền của kênh đào Panama.
Kênh đào vĩ đại Panama nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương được hoàn thành trong 10 năm, từ năm 1904 đến 1914. Thật đáng ngạc nhiên nếu bạn biết rằng mực nước biển và cả đỉnh thủy triều ở hai đầu đại dương chênh lệch nhau. Để khắc phục điều này, ba âu thuyền lớn đã được xây dựng để điều chỉnh mực nước giúp thuyền bè có thể lưu thông.
Kênh đào được thiết kế cho 80 triệu tấn hàng hóa lưu thông qua mỗi năm nhưng ngày nay, con số này đã lên tới 230 triệu tấn hàng hóa.
Tòa nhà Burj Khalifa
Tại Dubai thuộc Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất, người ta đã quyết định phá vỡ mọi kỷ lục bằng việc cho xây dựng tòa nhà trọc trời Burj Khalifa.
Tòa nhà được khánh thành vào đầu năm 2010 và hiện là công trình xây dựng cao nhất thế giới với chiều cao 828 m.
Tháp Burj giữ kỉ lục về độ cao mà sau này sẽ khó có tòa nhà nào phá vỡ được.
Cecil Balmond cho rằng thật điên rồ khi xây một tòa tháp cao như vậy. Ở độ cao này, bất kỳ điều gì cũng có thể trở thành vấn đề lớn. Các tác động chính bao gồm trọng lực và gió, ngoài ra còn có sự thay đổi về nhiệt độ và độ ẩm cũng tác động đến sự biến dạng của vật liệu, và nhiều thứ khác nữa… Đây là nơi mà mọi tính toán cần phải được đảm bảo.
Tháp Burj nhìn từ trên xuống.
Với chiều cao “khủng” như vậy, tốc độ thang máy ở Burj cũng là một điều đáng nể nói, với vận tốc 64 km/h, trong khi các thang máy bình thường chỉ đạt 18 km/h. Cecil Balmond là kiến trúc sư người Anh, người đã tham gia thiết kế các công trình nổi tiếng như Serpentine pavilion và các công trình phục vụ Olympic 2008 (Đài CCTV) và 2012 (ArcelorMittal Orbit). |
Trung Hiếu (theo DailyMail)
Theo Baoxaydung