An Sơn JSC

Xây dựng đề án khai thác hiệu quả đường Hồ Chí Minh

Bộ GTVT mới đây đã yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh xây dựng đề án tổng thể để đầu tư nối thông hoặc nâng cấp, cải tạo các đoạn xuống cấp, các tuyến đường ngang bảo đảm kết nối với các tuyến quốc lộ huyết mạch. Đây là việc làm hết sức cấp thiết để khai thác hiệu quả đường Hồ Chí Minh, chia sẻ gánh nặng quá tải cho QL1A.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, thời gian qua, dù đã tổ chức phân luồng xe trên đường Hồ Chí Minh nhưng việc khai thác còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân một phần do tuyến đường chưa thông toàn tuyến, hệ thống đường ngang kết nối các tuyến quốc lộ, cây xăng, trạm nghỉ chưa thật sự đồng bộ. Chính vì vậy, đề án tổng thể đầu tư, khai thác hiệu quả đường Hồ Chí Minh trong thời gian tới cần phải tính đến nhiều vấn đề.

Một đoạn tuyến đường Hồ Chí Minh đã đưa vào khai thác
Một đoạn tuyến đường Hồ Chí Minh đã đưa vào khai thác

Trong đó, sử dụng các tuyến đường ngang hiện có như thế nào; các trạm nghỉ, hệ thống cây xăng ra sao; nâng cấp các tuyến đường hiện tại, đồng thời kết hợp đầu tư giữa giai đoạn 2 và đoạn 3 của tuyến đường sao cho hiệu quả;... cần phải đặc biệt lưu tâm.

Bên cạnh đó, các phương án xây dựng cần phải tính toán cho khả thi nhất và làm rõ thực trạng trên toàn tuyến từ Pác Bó đến Cà Mau, những đoạn nào đã được đầu tư, đoạn nào đi trùng tuyến với các QL khác, đoạn nào cần nâng cấp, sửa chữa, còn đoạn nào chưa có đường thì kiên quyết phải đầu tư để nối thông. “Một trong những vấn đề hết sức quan trọng hiện nay để có thể sớm nối thông đường Hồ Chí Minh là phải xây dựng được các phương án và phân kỳ đầu tư hiệu quả. Những đoạn đã đầu tư xây dựng được từ 60% trở lên có thể tiếp tục đề nghị sử dụng vốn ngân sách, vốn trái phiếu để tiếp tục triển khai để có thể hoàn thành dứt điểm trong 1-2 năm tới. Với những dự án còn lại sẽ chuyển đổi hình thức đầu tư, kêu gọi xã hội hóa, triển khai theo các phương thức BOT, BT, hoặc PPP để thu hút thêm nhiều nguồn vốn và đầu tư hiệu quả hơn” - Thứ trưởng Trường nhấn mạnh.

Còn ông Nguyễn Hoằng, Vụ trưởng Vụ KHĐT (Bộ GTVT) cho rằng, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh phải xác định rõ mục tiêu của đề án. Trong lúc các nguồn vốn từ ngân sách cho giao thông rất thiếu, một số dự án của đường Hồ Chí Minh thời gian qua cũng phải đình hoãn, nên phải xác định rõ đoạn nào cần đầu tư, đoạn nào cần khởi động lại để thông toàn tuyến. Với những đoạn nâng cấp, cải tạo phải xác định rõ thời gian triển khai, hoàn thành để có kế hoạch tổng thể, thống nhất.

Báo cáo của Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, theo Nghị quyết 38/2004/QH11 của Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đường Hồ Chí Minh và các quy hoạch tổng thể, cũng như chi tiết được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì giai đoạn 1 (2000- 2007) của đường Hồ Chí Minh từ Hòa Lạc đến Tân Cảnh đã hoàn năm 2008. Hiện nay chỉ còn vướng một vài hạng mục do vướng GPMB và dự kiến sẽ hoàn tất trong năm 2012. Giai đoạn 2 (2007- 2015) nối thông 2 làn xe từ Pác Bó- Đất Mũi sẽ cơ bản hoàn thành vào 2015, trừ một số cầu lớn hoàn thành trong giai đoạn đến 2020. Hiện tại có 17 dự án đã có vốn để triển khai, còn lại 10 dự án khác chưa được bố trí vốn. Giai đoạn 3 đầu tư tuyến đường theo tiêu chuẩn cao tốc, trong đó từ 2012 đến 2020 đầu tư khoảng 313km Cam Lộ- La Sơn- Túy Loan, Đoan Hùng- Chợ Bến bằng nguồn vốn ngân sách kết hợp BT, BOT. Trong đó, tuyến Cam Lộ- La Sơn- Túy Loan đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai theo hình thức BT. Sau 2020 sẽ xây dựng các đoạn tuyến còn lại và hoàn chỉnh toàn tuyến theo quy hoạch được duyệt.

Như vậy, mục tiêu chính của đường Hồ Chí Minh từ 2012 trở đi là phấn đấu hoàn thành nối thông toàn tuyến từ Pác Bó đến Đất Mũi theo quy mô 2 làn xe trước 2015 và tập trung xây dựng tuyến cao tốc theo khả năng thu xếp, bố trí được nguồn vốn.

Về các nguồn vốn đầu tư, theo ông Phạm Hồng Sơn, Tổng giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 13.312 tỷ đồng, đã cơ bản hoàn thành và được bố trí đủ từ nguồn ngân sách và trái phiếu Chính phủ. Giai đoạn 2, tổng kinh phí là 120.724 tỷ đồng, đã bố trí đến 2015 là 10.472 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ. Hiện tại còn thiếu 110.187 tỷ đồng. Dự kiến số vốn này sẽ huy động bằng các nguồn vốn ODA, vay lãi suất thấp có bảo lãnh hoặc theo các hình thức nhà thầu ứng vốn thi công hoàn thành trước, BT, BOT. Còn với giai đoạn cao tốc và hoàn chỉnh toàn tuyến theo quy hoạch được duyệt thì nhu cầu vốn khoảng 329.521 tỷ đồng.

Nguồn: Giaothongvantai.com.vn


� 2009 -2024  An Sơn JSC | Homepage