An Sơn JSC

Không BOT, cầu Cổ Chiên chưa biết bao giờ hoàn thành

Trở lại Trà Vinh sau hơn một tháng kể từ ngày thông xe cầu Cổ Chiên (16/5), PVBáo Giao thông ghi nhận sự phấn khởi của người dân hai tỉnh Bến Tre, Trà Vinh khi cây cầu ý nghĩa này được hoàn thành và đưa vào sử dụng sớm 15 tháng so với kế hoạch ban đầu.

Các phương tiện từ Bến Tre qua Trà Vinh giờ không phải đi phà nữa mà bon bon trên cây cầu dài gần 2 km vững chãi vượt sông Cổ Chiên. Anh Trần Văn Phát, một tài xế cho biết, nếu trước đây đi phà trung bình mất khoảng 45 phút mới sang được bờ bên kia. Lúc cao điểm có khi phải chờ vài tiếng đồng hồ. Xe cứ nổ máy nằm chờ mà không biết lúc nào mới qua phà được. “Giờ có cầu không phải chờ đợi, đi nhanh hơn, có thu phí thì cũng rẻ hơn so với khi đi phà”, anh Phát nói.

34
Cầu Cổ Chiên

Ông Nguyễn Ngọc Chiến ở xã Bình Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh cho biết, từ khi cầu Cổ Chiên hoàn thành đời sống của người dân hai bên bờ đã có nhiều đổi thay. Một số gia đình đã sửa sang nhà làm cửa hàng buôn bán dọc hai bên đường. “Trước đây đi phà, xe gắn máy cũng phải trả tiền, giờ làm cầu to mà Nhà nước có thu tiền xe gắn máy đâu. Đây là lợi ích lớn mà dân nghèo được hưởng đầu tiên”, ông Chiến hồ hởi.

Dự án xây dựng cầu Cổ Chiên đã từng được khởi công từ năm 2011. Tuy nhiên do nguồn vốn ngân sách khó khăn nên việc thi công bị đình hoãn trong một thời gian. Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã tách và phê duyệt Dự án thành phần 1 “Đầu tư xây dựng cầu Cổ Chiên theo hình thức Hợp đồng BOT” thành một dự án độc lập. Liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc – Tổng công ty xây dựng Công trình giao thông 1 (CIENCO1) được chọn là nhà đầu tư.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án triển khai trong vòng 36 tháng, nhưng sau đó với nỗ lực của nhà đầu tư, nhà thầu, sự quan tâm của Chính phủ, Bộ GTVT, chính quyền địa phương, dự án đã hoàn thành sau 21 tháng thi công, rút ngắn tiến độ 15 tháng và tiết giảm 1.490 tỷ đồng.

Ông Đồng Văn Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh nhấn mạnh: “Nếu dự án không được thực hiện bằng hình thức BOT mà chỉ trông chờ vào nguồn vốn ngân sách, không biết bao giờ mới hoàn thành. Từ khi cầu Cổ Chiên hoàn thành đã có nhiều nhà đầu tư đến Trà Vinh để tìm hiểu cơ hội làm ăn”.

Hiện trên địa bàn tỉnh Trà Vinh cũng đang triển khai dự án nâng cấp mở rộng QL53 từ Long Hồ (Vĩnh Long) đến Ba Si (Trà Vinh) theo hình thức BOT. Đoạn QL53 từ Ba Si đi Long Toàn nằm hoàn toàn trên địa bàn Trà Vinh cũng đang được nghiên cứu để kêu gọi nhà đầu tư thực hiện bằng hình thức BOT.

“Nguồn vốn ngân sách hiện rất khó khăn. Tỉnh nào cũng chờ hỗ trợ từ ngân sách thì khó đầu tư được hạ tầng giao thông ở địa phương. Việc xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông bằng hình thức BOT được sự đồng thuận của lãnh đạo và nhân dân trong tỉnh, đây là động lực quan trọng để phát triển kinh tế địa phương”, ông Lâm nói.

Theo: baogiaothong.vn



� 2009 -2024  An Sơn JSC | Homepage