An Sơn JSC

Dự án Quy hoạch phát triển VLXD Tp.HCM đến năm 2020

      Thành phố Hồ Chí Minh nằm ở trung tâm Nam Bộ, cách thủ đô Hà Nội 1.738 km về phía Đông Nam, có địa giới hành chính chung với các tỉnh Bình Dương ở phía Bắc, Tây Ninh ở phía Tây Bắc, phía Đông và Đông Bắc giáp Đồng Nai, phía Đông Nam giáp Bà Rịa - Vũng Tàu, phía Tây và Tây Nam giáp Long An, phía Nam giáp Tiền Giang, Đông Nam giáp biển Đông với chiều dài bờ biển khoảng 15 km.

       Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố cảng lớn nhất đất nước, hội tụ đủ các điều kiện thuận lợi về giao thông đường bộ, đường thuỷ, đường sắt, đường hàng không, là một đầu mối giao thông kinh tế lớn nối liền với các địa phương trong nước và quốc tế. Với vị trí địa lý quan trọng như vậy, việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hồ Chí Minh không chỉ có ý nghĩa riêng đối với thành phố mà còn có ý nghĩa rất lớn lao trong sự nghiệp phát triển chung của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Trong sự nghiệp chung đó có sự đóng góp của tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế, trong đó có ngành công nghiệp VLXD.

         Thành phố Hồ Chí Minh cũng hội tụ nhiều yếu tố để phát triển ngành sản xuất VLXD, trong giai đoạn tới sẽ có bước tăng trưởng lớn về thị trường và nhu cầu VLXD bởi một số lý do như sau:

- Sự phát triển kinh tế quốc dân theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đến năm 2020 mở ra hướng phát triển xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng (các công trình giao thông đường bộ, cầu cống, bến cảng; các công trình thuỷ lợi; các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu du lịch; các công trình phục vụ thể thao văn hóa; xây dựng mới và nâng cấp các hệ thống đô thị và xây dựng nhà ở của nhân dân trên toàn bộ lãnh thổ. Sự phát triển xây dựng các nhà cao tầng, chung cư, cao ốc văn phòng, khách sạn.... không chỉ mang lại một thị trường rộng lớn cho sự phát triển ngành xây dựng mà còn thúc đẩy phát triển các sản phẩm VLXD cao cấp hơn, chất lượng hơn và có các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật cao hơn. Việc cải tạo nhà ở cũ của nhân dân khi đời sống được nâng cao cũng sẽ đòi hỏi một khối lượng lớn về VLXD và các chủng loại sản phẩm đa dạng hơn. Chủ trương phát triển nông thôn của Nhà nước, nhằm rút ngắn khoảng cách về kinh tế giữa nông thôn và thành thị cũng là nguyên nhân để vật liệu xây dựng phát triển trong giai đoạn tới.

- Thị trường VLXD của các tỉnh xung quanh và cả nước đang phát triển và nhu cầu tiêu thụ vật liệu cũng còn tăng nhanh trong thời gian tới, cũng là điều kiện cho sản xuất VLXD ở thành phố phát triển. Thành phố Hồ Chí Minh có khả năng giao lưu hết sức thuận lợi với các tỉnh, thành phố ở khu vực duyên hải Nam Trung bộ, vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đó là các vùng kinh tế năng động có nhu cầu VLXD cao, có tiềm lực về đầu tư rất mạnh, là động lực to lớn để hỗ trợ cho sự phát triển của ngành VLXD đồng thời là thị trường tiêu thụ VLXD của thành phố. Chính vì vậy, trong giai đoạn tới thành phố Hồ Chí Minh thực sự trở thành một thị trường VLXD sôi động trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

+ Nguồn tài nguyên khoáng sản làm VLXD tuy không phong phú, chủ yếu là các khoáng sản như sét gạch ngói, cát, sạn, sỏi; khoáng sản làm nguyên liệu cho gốm sứ và làm chất trợ dụng; làm nhiên liệu như than bùn, nhưng thành phố Hồ Chí Minh có một thị trường tiêu thụ vật liệu xây dựng rất lớn, thuận lợi về điều kiện giao thông vận tải nên có thể phát triển các trạm nghiền xi măng và các sản phẩm sau xi măng, như: gạch ngói không nung, tấm lợp, bê tông cấu kiện, bê tông thương phẩm, các loại vật liệu ốp lát phục vụ trang trí hoàn thiện, các loại vật liệu mới, vật liệu thay thế... góp phần quan trọng vào việc giải quyết nhu cầu các chủng loại VLXD mà thành phố Hồ Chí Minh hiện đang thiếu.

       Từ thực tế trên, để có định hướng đúng đắn cho sự phát triển ngành công nghiệp VLXD, tính toán lựa chọn những sản phẩm VLXD phù hợp để phát triển, lựa chọn các phương án đầu tư có tính khả thi cao mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, góp phần giải quyết nhu cầu VLXD tại chỗ, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách địa phương và từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế của thành phố... việc nghiên cứu xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất VLXD thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 là cần thiết và cấp bách.

       Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đã được UBND thành phố giao cho làm Chủ Đầu tư thực hiện dự án “Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020” và Viện Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng đã được Sở Xây dựng đề nghị phối hợp thực hiện nhiệm vụ trên. Việc nghiên cứu xây dựng “Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020” có ý nghĩa rất quan trọng để đánh giá tiềm năng, những thuận lợi, khó khăn và khả năng phát triển ngành VLXD trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Từ kết quả nghiên cứu của dự án sẽ hình thành các chương trình phát triển các loại VLXD, lựa chọn những công trình ưu tiên đầu tư trên cơ sở nhu cầu thị trường đến năm 2020 và những nguồn lực, thuận lợi sẵn có trên địa bàn.


� 2009 -2024  An Sơn JSC | Homepage