An Sơn JSC

Quy hoạch không gian ngầm ở TPHCM: Càng chậm, càng rối

Cách nay 3 năm, Nghị định 41/2007 về xây dựng phát triển đô thị đã đề cập đến việc phải thực hiện quy hoạch không gian ngầm tại các đô thị, đặc biệt ở hai đô thị lớn là Hà Nội và TPHCM. Mới đây nhất, ngày 7-4-2010 trong Nghị định 39 về quản lý không gian ngầm, Chính phủ cũng đã nhắc lại yêu cầu này.  Tuy nhiên…

“Khởi”... nhưng chưa “động”

Ngay khi Chính phủ có chủ trương phải xây dựng quy hoạch không gian ngầm tại các đô thị lớn, TPHCM đã nhanh chóng thành lập một tổ công tác, chuẩn bị cho việc thực hiện nhiệm vụ này. Thế nhưng, từ đó cho đến nay, hơn hai năm đã trôi qua, việc lập quy hoạch không gian ngầm gần như chưa được triển khai như mong đợi. 

Ông Hoàng Minh Trí, Giám đốc Viện Quy hoạch Kiến trúc TPHCM nêu ý kiến, có lẽ do hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm hiện hữu quá phức tạp, việc điều tra hiện trạng quá khó, quá tốn kém nên việc nghiên cứu lập quy hoạch không gian ngầm chưa được TPHCM triển khai? Không rõ đây có phải lý do chính nhưng đúng là hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm hiện hữu của TPHCM không khác gì… ma trận. Các đơn vị thi công các công trình hạ tầng ngầm tại thành phố đã kể nhiều câu chuyện… rất khó tin xung quanh các công trình này.

Chưa có bãi đậu xe ngầm, ô tô phải đậu dưới lòng đường và trên vỉa hè. Ảnh: Cao Thăng

Ông Vương Hoàng Thanh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông-Tây cho biết, trước khi triển khai thi công Đại lộ Đông-Tây, các nhà thầu cùng tư vấn thiết kế công trình đã nghiên cứu, cập nhật rất kỹ hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên dưới lòng đường để khi triển khai di dời được nhanh chóng. Tuy nhiên, hễ đào xuống là gần như lại gặp một vài đường dây điện, điện thoại hoặc thậm chí có cả vài cống thoát nước, cấp nước… bất ngờ xuất hiện.

Tất nhiên, trong các tình huống ấy, nhà thầu phải ngừng thi công và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để tìm…chủ nhân của hệ thống này cùng phối hợp cùng di dời. Thế nhưng, không phải chủ nhân nào cũng biết rõ hệ thống kỹ thuật ngầm của mình.

Đã có trường hợp Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông-Tây thông báo “tìm chủ nhân” trên báo, đài tới 3 tháng nhưng không thấy ai đến nhận là chủ. Không thể đợi lâu thêm, Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông-Tây đã phải xin phép ngành chức năng cho phép đơn phương cắt hệ thống ngầm này. Cho tới lúc đó, chủ nhân của hệ thống mới xuất hiện nhưng không phải là do họ cố tình không hợp tác với Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông-Tây mà đơn giản là khi bị cắt, toàn bộ hệ thống ngầm đang hoạt động gặp trục trặc, họ mới biết chính mình là chủ nhân của hệ thống này.

Tất nhiên, hậu quả không gì khác hơn trong các trường hợp này là Nhà nước tốn thêm chi phí thi công, người dân bực bội thậm chí bị thiệt hại về kinh tế vì các công trình đào đường không thể nhanh hơn được. 

Chuyện ở công trường thi công Đại lộ Đông-Tây không phải cá biệt. Nhiều nhà thầu thường xuyên thi công các công trình ngầm ở TPHCM như Tổng Công ty Xây dựng công trình số 1, Tổng Công ty Cấp nước TPHCM… cũng thường xuyên gặp những tình huống tương tự.

Ông Hoàng Minh Trí cho biết, đó là hậu quả của lịch sử. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm ở TPHCM bao gồm hệ thống điện, điện thoại, cấp, thoát nước… cơ bản được hình thành trong 3 thời kỳ: thời Pháp thuộc, thời chính quyền Sài Gòn và thời kỳ sau năm 1975. Rất nhiều tài liệu qua các thời kỳ này đã bị thất lạc hoặc không được cập nhật đầy đủ.

Cách nay hơn 10 năm, với sự giúp đỡ của Chính phủ Pháp, TPHCM đã thí điểm nghiên cứu lập bản đồ hệ thống ngầm ở một khu phố tại quận 3. Tuy nhiên, do hệ thống ngầm lúc đó cũng quá phức tạp nên công tác nghiên cứu cũng chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Không chờ lâu hơn nữa

Ngay trong tháng 8 và tháng 9 vừa qua, TPHCM đã khởi công xây dựng tuyến metro số 2 và bãi đậu xe ngầm dưới công viên Lê Văn Tám. Trước đó, hàng loạt công trình ngầm khác cũng đã được khởi công xây dựng như tuyến metro số 1, các công trình ngầm hóa hệ thống điện, cáp viễn thông… ở khu vực trung tâm thành phố.

Đó là chưa kể rất nhiều cao ốc đã và đang mọc lên trên khắp địa bàn thành phố, đặc biệt là khu vực quận 2 và quận 3. Điều đó chứng tỏ nhu cầu xây dựng ngầm tại TPHCM tăng cao hơn bao giờ hết. Chính vì vậy, một đồ án quy hoạch không gian ngầm là không thể chờ lâu hơn nữa.

Ông Hoàng Minh Trí cho biết, hiện nay trên thế giới đã có một số thiết bị có thể giúp nhận biết khá chính xác các công trình ngầm nằm sâu dưới đất. Chúng hoạt động như một máy siêu âm hoặc máy chụp Xquang, chụp cắt lớp từng phần dưới mặt đất. Vấn đề là các máy này khá đắt tiền và nếu mua để phục vụ công tác thống kê hiện trạng công trình ngầm cho thành phố thì chi phí có thể lên tới hàng chục triệu USD.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Minh Trí, nếu được tính đầy đủ chi phí này vẫn còn rẻ hơn nhiều so với các tổn thất do không nắm được hệ thống ngầm dưới đất gây ra.

Ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM: TPHCM đang xúc tiến việc lập quy hoạch không gian ngầm chung cho toàn thành phố. Tuy nhiên, hiện nay trong nhiều đồ án quy hoạch ở một số khu vực đã đề cập đến không gian ngầm. Đơn cử, đồ án quy hoạch chi tiết 1/2000 khu vực trung tâm TPHCM đang được xây dựng, có cập nhật và đề xuất một số giải pháp kết nối hệ thống giao thông ngầm với hệ thống thương mại ngầm trong khu vực.

Ngoài ra, trong quy hoạch từng ngành kỹ thuật như điện lực, cấp, thoát, nước, bưu điện… cũng đã được nghiên cứu trên cơ sở thống nhất với quy hoạch phát triển đô thị chung của TPHCM.

SGGP


� 2009 -2024  An Sơn JSC | Homepage