TP - TPHCM đã khởi công xây dựng 2 trong tổng số 7 dự án tàu điện ngầm (metro). Tuy nhiên, với tiến độ thực hiện như hiện nay, mơ ước có một tuyến metro hiện đại đưa đón hành khách, giải quyết nạn ùn tắc giao thông vào năm 2015 khó thành hiện thực.
|
Lễ khởi công tuyến Metro số 2. |
Tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) khởi công xây dựng vào đầu năm 2008, tổng chiều dài 19,7 km (trong đó có 2,6 km đi ngầm, 17,1 km đi trên cao). Công trình đi qua lần lượt các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức và một đoạn thuộc huyện Dĩ An (tỉnh Bình Dương) với 14 nhà ga, trong đó có 3 ngầm và 11 ga trên cao. Tổng vốn đầu tư theo phê duyệt ban đầu là 1,09 tỷ USD được thực hiện từ nguồn vốn vay ODA.Sau hơn 2 năm khởi công, đến nay hạng mục đầu tiên của dự án vẫn chưa hoàn tất vì vướng trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM (BQL ĐSĐT), trong 5 quận có liên quan, hiện mới có quận Bình Thạnh cơ bản hoàn thành giải phóng và bàn giao mặt bằng. Tính đến cuối tháng 8-2010, mới có trên 372/2.168 hộ dân thuộc diện giải tỏa nhà đất bàn giao mặt bằng, chiếm tỉ lệ hơn 17%. Chính vì tiến độ quá chậm nên UBND TPHCM đã liên tục có văn bản hối thúc các quận.
Ngày 24-8, TPHCM tiếp tục phát lệnh khởi công giai đoạn 1 tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) với tổng mức đầu tư 1,25 tỷ USD. Tuyến có lộ trình Chợ Bến Thành (vị trí đặt trạm điều hành xe buýt hiện nay) - Phạm Hồng Thái - Cách Mạng Tháng Tám - Trường Chinh - Tham Lương với tổng chiều dài hơn 11 km, trong đó có 9,6 km đi ngầm với 10 nhà ga (9 ga ngầm và 1 ga nổi).
Tuy nhiên, cả hai tuyến metro đã khởi công, TPHCM mới chỉ thực hiện các gói thầu phụ, khối lượng và kỹ thuật thi công được xem là nhẹ nhất. Đó là xây dựng nhà ga chính (depot) Long Bình (tuyến số 1) và depot Tham Lương (tuyến số 2), bao gồm các hạng mục như nhà xưởng, tường rào.… Các gói thầu chính có khối lượng giải tỏa lớn gấp nhiều lần và buộc phải thực hiện quy trình đấu thầu quốc tế đến nay vẫn chưa thực hiện.
Theo BQL ĐSĐT, TPHCM sẽ chính thức chấm 3 gói thầu quốc tế tuyến metro số 1 (gồm đoạn đi ngầm, đi cao và gói thầu thiết bị) vào tháng 9 -2010. Do một số hạng mục của dự án được điều chỉnh, tỷ giá biến động, giá nguyên vật liệu tăng, trượt giá, dự phòng phí tăng … mới đây UBND TPHCM đã trình Chính phủ phê duyệt tổng mức đầu tư mới của dự án nâng từ 1,09 tỷ USD lên 2,3 tỷ USD. Với tiến độ thực hiện như hiện nay, có thể đây chưa phải là con số cuối cùng.
Tienphong