An Sơn JSC

Trên 11.000 tỷ đồng vốn cho quản lý bảo trì đường bộ 2013

Để quản lý và bảo trì hệ thống gần 18.000km quốc lộ, nhu cầu vốn hàng năm nay lên tới trên 11.000 tỷ đồng. Bắt đầu từ năm 2013 Quỹ bảo trì đường bộ sẽ chịu trách nhiệm chi trả cho nhu cầu này. Chỉ còn hơn 1 tháng nữa - thời gian rất ngắn để hoàn tất mọi công tác chuẩn bị đưa Quỹ chính thức đi vào hoạt động.

Nhu cầu vốn rất lớn

Kế hoạch quản lý và bảo trì hệ thống đường bộ quốc gia năm 2013, nhu cầu vốn Bộ GTVT vừa qua đã trình Bộ Tài chính là trên 11.000 tỷ đồng, trong đó gần 2.900 tỷ đồng cho bảo dưỡng thường xuyên và gần 8.180 tỷ đồng cho công tác sửa chữa định kì.

Vốn bố trí cho quản lý bảo trì đường bộ thường chỉ đáp ứng được khoảng 30-40% nhu cầu
Vốn bố trí cho quản lý bảo trì đường bộ thường chỉ đáp ứng

Cho đến nay, tư duy về đầu tư cho quản lý bảo trì đường bộ đã có thay đổi lớn. Trong khi vốn cho đầu tư xây dựng mới bị hạn hẹp, thì quan điểm bố trí đủ vốn cho quản lý bảo trì giúp giữ gìn tài sản đường sá và hạn chế đầu tư xây dựng mới đang trở thành quan điểm chính thống và thật sự được quan tâm xúc tiến tại VN.

Gần 2.900 tỷ đồng cho bảo dưỡng thường xuyên, theo Tổng cục ĐBVN, là rất lớn. Công tác bảo dưỡng thường xuyên, thường chiếm khoảng 30% tổng vốn cho quản lý bảo trì đường bộ. Bảo dưỡng thường xuyên đối với đường bộ chiếm tỉ lệ vốn thấp, song có ý nghĩa rất quan trọng. Nếu được bố trí đầy đủ, bảo dưỡng thường xuyên có tác dụng kịp thời ngăn chặn những hư hỏng lớn phát sinh trước chu kì đầu tư sửa chữa định kì, giữ cho đường luôn ở tình trạng khai thác bình thường, êm thuận. Gần 8.180 tỷ đồng cho sửa chữa định kì cũng là khoản đầu tư lớn nhất đến nay được đề nghị cho sửa chữa định kì đường bộ (gồm sửa chữa vừa 4 năm/lần và sửa chữa lớn 8 năm/lần).

Theo tính toán của các chuyên gia, nếu bố trí đủ 1 đồng vốn cho quản lý bảo trì đường bộ (gồm cả bảo dưỡng thường xuyên và sửa chữa định kì) sẽ giúp tiết kiệm được 4 đồng cho đầu tư xây dựng mới và tiết kiệm được 2 đồng cho khấu hao và sửa chữa phương tiện vận tải.

Từ trước đến nay, do thiếu sự quan tâm đầy đủ, nên vốn bố trí cho quản lý bảo trì đường bộ (chủ yếu từ ngân sách nhà nước) luôn luôn thiếu hụt lớn, thường chỉ đáp ứng được khoảng 30-40% nhu cầu thực tế. Với phân bổ vốn như vậy, Tổng cục ĐBVN bố trí cho những hạng mục thiết yếu nhất để giữ cho giao thông cơ bản thông suốt, giúp lưu thông người và hàng hoá. Song đường sá bị liên tục xuống cấp, tuổi thọ công trình giảm, nhu cầu đầu tư lớn đến sớm hơn chu kì thông thường.

Quỹ sẽ chịu trách nhiệm về tài chính cho BTĐB

Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, Quỹ BTĐB sẽ chịu trách nhiệm cung cấp tài chính cho quản lý bảo trì đường bộ. Bắt đầu từ ngày 1/1/2013, Quỹ BTĐB được hình thành từ các nguồn chính là phí thu trên đầu phương tiện cơ giới đường bộ và ngân sách Nhà nước cấp bổ sung hàng năm sẽ chi trả cho nhu cầu quản lý bảo trì đường sá. Phí sử dụng đường bộ thu được đối với ôtô được phân chia cho quỹ Trung ương 65% và cho các địa phương là 35%.

Theo Dự thảo trước đó được xây dựng, mức thu dự kiến đối với mỗi đầu ôtô sẽ từ 180 ngàn đồng đến 1,44 triệu đồng mỗi tháng. Với mức thu này, tổng số Quỹ sẽ thu được khoảng 4.600 tỷ đồng/năm từ phí ôtô. Phí thu trên xe máy dự kiến từ 80 ngàn đến 150 ngàn đồng/xe/năm, đạt được tổng số thu cho Quỹ khoảng 3.200 tỷ đồng/năm, song do UBND các tỉnh thành trực thuộc Trung ương quyết định và tổ chức thu. Thu phí xe máy dự kiến sẽ để chậm lại so với tiến trình chung 1 năm và khả năng thời gian đầu chưa thể thu đủ 100% tổng mức dự kiến. Và trong một số năm đầu ngân sách Nhà nước vẫn phải cấp bù để Quỹ BTĐB có thể đáp ứng nhu cầu quản lý bảo trì đường sá.

Hiện Bộ GTVT và Bộ Tài Chính đang xây dựng Thông tư hướng dẫn thu và Thông tư hướng dẫn chi cho hoạt động của Quỹ BTĐB. Dự kiến ngay trong tháng 11 này 2 Thông tư sẽ được ban hành để chính thức có hiệu lực từ 1/1/2013 hướng dẫn cho hoạt động của Quỹ.

Nguồn: Giaothongvantai.com


� 2009 -2024  An Sơn JSC | Homepage