An Sơn JSC

Xây dựng đô thị trục đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi, xa lộ Hà Nội, đại lộ Đông - Tây: Phát triển thành phố đa trung tâm

Như Báo SGGP đã đưa tin, cuối tuần qua, lãnh đạo TPHCM đã nghe Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) báo cáo nghiên cứu thiết kế đô thị trục đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi, xa lộ Hà Nội, đại lộ Đông-Tây. Lãnh đạo TP chấp nhận nghiên cứu này và yêu cầu Sở QH-KT, Sở Xây dựng soạn thảo Quy chế quản lý kiến trúc và Quy chế quản lý xây dựng tại 3 khu vực nêu trên nhằm tạo cơ sở cho việc thực hiện thiết kế đô thị ở đây.

Các cao ốc dọc xa lộ Hà Nội. Ảnh: Kim Ngân

Xa lộ Hà Nội: Hình thành cụm đô thị nén 

Công tác nghiên cứu thiết kế đô thị dọc xa lộ Hà Nội đã được Sở QH-KT thực hiện từ hơn một năm qua theo chỉ đạo của UBND TPHCM. Theo ông Huỳnh Xuân Thụ, Giám đốc Trung tâm Thông tin quy hoạch thuộc Sở QH-KT - đơn vị trực tiếp nghiên cứu thiết kế cho trục đường này, xa lộ Hà Nội có một vị trí rất quan trọng đối với chủ trương phát triển đa trung tâm của TP khi mà theo con đường, nội thành hiện hữu sẽ được kết nối với các trung tâm chuyên ngành ở quận 9 và quận Thủ Đức, như Trung tâm Thể dục Thể thao Rạch Chiếc dự kiến rộng 200-300ha, Khu công nghệ cao, Đại học Quốc gia, Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc rộng 300-400ha…

Chính vì vậy, đặc điểm kiến trúc đô thị dọc xa lộ Hà Nội sẽ là những cụm đô thị nén ở ngay tại vị trí của các trung tâm này. Trong các cụm đô thị nén sẽ bố trí các ga vận tải hành khách công cộng để tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên, chạy dọc xa lộ Hà Nội dừng đậu, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân từ các cụm đô thị nén về trung tâm TP và ngược lại. Tại các nhà ga cũng sẽ có một mạng lưới xe buýt đưa đón khách đi các khu vực khác của TP. Thiết kế của các nhà ga sẽ hiện đại, thân thiện với môi trường và là điểm nhấn về kiến trúc cho cả khu vực vừa tạo cảnh quan đẹp chung cho TP, vừa hấp dẫn người dân sử dụng vận tải công cộng. Ranh giới để thực hiện thiết kế đô thị này là suốt dọc trục xa lộ Hà Nội, bắt đầu từ cầu Sài Gòn đến cầu Đồng Nai, dài gần 17km, với chiều rộng khoảng 100-300m tính từ lộ giới đường trở vào sâu trong các khu dân cư. 

 Những phần đất công cộng lớn sẽ được nghiên cứu để tìm ra các thiết kế đô thị phù hợp trên tinh thần cố gắng tạo nét riêng biệt cho từng kiến trúc nhằm tô điểm thêm cho vẻ đẹp của TP, nhất là các khu vực nằm gần bờ sông. Chủ trương của lãnh đạo thành phố, cảnh quan sông nước phải là không gian công cộng chung cho tất cả người dân thưởng lãm, hạn chế đến mức tối đa “tư nhân hóa” các khu vực nằm gần sông. Kiến trúc ở đây sẽ là những kiến trúc mở, tạo đường thông ra sông. Các khu dân cư hiện hữu đã có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật đúng chuẩn, chất lượng môi trường sống tốt cơ bản sẽ được giữ lại nhưng khi người dân có nhu cầu xây dựng mới sẽ được khuyến khích sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường với các kiến trúc đẹp phù hợp với khung cảnh.

Đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi: Không để bị cắt nát

Tương tự xa lộ Hà Nội, phạm vi nghiên cứu thiết kế đô thị đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi cũng sẽ bắt đầu từ đầu tuyến: khu vực nối với sân bay Tân Sơn Nhất và chạy suốt tuyến đến điểm cuối là nút giao thông Linh Xuân. Chiều rộng toàn khu vực được tính từ lộ giới đường trở ngược vào sâu trong các khu dân cư 100-300m.

Hiện tại, theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đến 2025 của TPHCM, hướng đường Tân Sơn Nhất-Bình Lợi không có các tuyến vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn như metro, monorail… Do vậy, trước mắt Sở QH-KT đề xuất xây dựng một tuyến xe buýt con thoi hoạt động liên tục trên trục đường. Tuy nhiên, tại điểm giao cắt giữa đường Tân Sơn Nhất-Bình Lợi với tuyến metro đi về phía quận Gò Vấp, Hóc Môn (theo Quy hoạch phát triển GTVT đến 2025 sẽ có một tuyến metro đi từ trung tâm TP về hướng Gò Vấp, Hóc Môn) sẽ hình thành nhà ga vận tải hành khách công cộng cùng với một trung tâm thương mại, dịch vụ đa chức năng. Nhà ga và khu trung tâm sẽ được xây dựng như là một điểm nhấn về kiến trúc cho toàn khu vực. Riêng khu vực đầu đường, đoạn giao với sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được nghiên cứu xây dựng một công trình kiến trúc có giá trị cao để đón chào du khách đến với thành phố. 

 Khu vực đường qua 2 quận Bình Thạnh và Gò Vấp, do mật độ dân sinh sống đã khá cao, Sở QH-KT đề xuất nên từng bước chỉnh trang đô thị và bắt đầu từ những khu nhà lụp xụp. Khu dân cư mới sẽ được xây dựng theo hướng ở bên trên và dưới tầng trệt sẽ cho kinh doanh. Tầng trệt phải xây lùi vào để tạo vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ. Các khu vực nhà phố hiện hữu sẽ được bố trí lại theo từng cụm khoảng vài chục đến vài trăm nhà và có đường giao thông chung kết nối ra với đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi. Ông Huỳnh Xuân Thụ cho biết: “Tân Sơn Nhất - Bình Lợi tuy là đường nội đô nhưng là tuyến đường huyết mạnh cho cả khu vực. Vì thế, đây là giải pháp để hạn chế tình trạng nhà dân áp sát đường và khi cần cứ lao xe ra đường, vừa không an toàn vừa ảnh hưởng đến tốc độ lưu thông chung của cả tuyến đường. Người đi bộ có nhu cầu qua đường sẽ sử dụng hầm chui, cầu vượt”. 

Đặc biệt tại khu vực rạch Xuyên Tâm “đi qua” đường Tân Sơn Nhất-Bình Lợi sẽ được nghiên cứu để bảo tồn cảnh quan sông nước đặc trưng của vùng Nam bộ. Phần đất nằm trên quận Thủ Đức chưa có nhiều công trình kiến trúc sẽ được nghiên cứu xây dựng thành những trung tâm ở hiện đại với hạ tầng cơ sở, kỹ thuật hiện đại cùng các hoạt động thương mại, dịch vụ sôi động.

 

 

Tái hiện cảnh “trên bến dưới thuyền”

Theo Sở QH-KT, các đô thị dọc đại lộ Đông-Tây, con đường đi ngang qua trung tâm TP dài khoảng 22km nối từ huyện Bình Chánh qua quận 5,6,8 vượt sông Sài Gòn tới quận 2, phải là một điểm nhấn đẹp về kiến trúc cho TP. Nhất là khi dọc theo đó lại có kênh Tàu Hủ-Bến Nghé, một con kênh gắn liền với hoạt động giao thương giữa Sài Gòn-TPHCM với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bằng đường thủy từ hàng trăm năm qua. Thông qua các thiết kế đô thị phù hợp, TPHCM có thể tái hiện cảnh “trên bến dưới thuyền” để lưu giữ hình ảnh của Sài Gòn xưa. Hiện Sở QH-KT và các quận, huyện có con đường đi qua, đã cơ bản thống nhất biên chỉnh trang đô thị sẽ rộng 100-150m tính từ hành lang an toàn của đường sâu vào trong các khu dân cư. Độ cao trung bình của các công trình kiến trúc ở đây khoảng 25 tầng, không quá cao để giữ cho được không gian thoáng đãng của kênh Tàu Hủ-Bến Nghé. Trên đại lộ Đông-Tây, sẽ có một tuyến xe điện mặt đất làm cơ sở cho việc phát triển vận tải hành khách công cộng tại đây

SGGP


� 2009 -2024  An Sơn JSC | Homepage