Bộ GTVT đang tiến hành xây dựng đề án phát hành trái phiếu công trình để đầu tư xây dựng các dự án mở rộng QL1 và cải tạo, nâng cấp QL14. Theo đó, căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng triển khai các dự án BOT, Bộ GTVT dự kiến nhu cầu phát hành trái phiếu công trình trên cơ sở phân kỳ đầu tư giai đoạn 2013 - 2015 đối với các dự án trên các tuyến quốc lộ huyết mạch này vào khoảng 57.843 tỷ đồng.
Theo Vụ Tài chính (Bộ GTVT), đối với các dự án mở rộng QL1 sẽ cần phát hành 47.843 tỷ đồng. Trong số đó, đoạn Thanh Hóa - Hà Tĩnh là 6.343 tỷ đồng. Đoạn Hà Tĩnh - Cần Thơ là 41.500 tỷ đồng. Trong số này, vốn đầu tư 768km vào khoảng 36.611 tỷ đồng, vốn góp GPMB cho các dự án BOT 4.889 tỷ đồng. Riêng các dự án mở rộng QL1 đoạn từ Hà Tĩnh đến Cần Thơ, Vụ Tài chính cho biết, trong phạm vi 768km cần phải mở rộng, hiện Bộ GTVT đang lập 18 dự án đầu tư. Trong đó có 1 dự án ODA là đoạn Ninh Thuận - Bình Thuận và 17 dự án đầu tư theo hình thức BOT có sự tham gia vốn của Nhà nước với tổng mức đầu tư 74.211 tỷ đồng. Dự kiến khả năng hoàn vốn của các dự án BOT sẽ được khoảng 37.574 tỷ đồng trong 25 năm.
|
QL 1 qua Thanh Hóa. |
Còn đối với các dự án nâng cấp, cải tạo QL14 qua Tây Nguyên nhu cầu phát hành trái phiếu công trình vào khoảng 10.000 tỷ đồng để triển khai hơn 412 km. Số tiền này bao gồm cả vốn góp cho các dự án BOT khoảng 8.874 tỷ đồng, bổ sung vốn 226 tỷ đồng còn thiếu của hai dự án cải tạo, nâng cấp QL14 đoạn qua thị xã Gia Nghĩa và thị xã Đồng Xoài và bố trí 860 tỷ đồng cho đoạn Tân Cảnh - Kon Tum. Vụ Tài chính cũng dự kiến khả năng hoàn vốn của các dự án BOT trên tuyến QL14 vào khoảng 5.340 tỷ đồng cho hơn 392km trong 25 năm.
Căn cứ vào tiến độ triển khai thực hiện các dự án trên hai tuyến quốc lộ trọng điểm và nhu cầu phân bổ vốn hàng năm giai đoạn 2013 - 2017, Bộ GTVT cũng xây dựng kế hoạch phát hành trái phiếu công trình cho từng dự án cụ thể theo từng năm. Ngay trong năm 2013 dự kiến phát hành khoảng 14.951 tỷ đồng, sang 2014 vào khoảng 16.656 tỷ đồng. Đến 2015 kế hoạch phát hành khoảng 13.422 tỷ đồng, 2016 là 9.153 tỷ đồng và đến 2017 chỉ 3.661 tỷ đồng.
Về chủ thể phát hành, do đây là phát hành trái phiếu công trình và được Chính phủ bảo lãnh thanh toán nên Bộ GTVT đề nghị Chính phủ giao cho Ngân hàng Phát triển VN (VDB) thay mặt Chính phủ đứng ra phát hành toàn bộ trên phạm vi toàn quốc để có nguồn vốn đầu tư các dự án mở rộng QL1, QL14. VDB lập dự toán chi phí phát hành trái phiếu công trình để trình Bộ Tài chính phê duyệt sau đó trích trực tiếp khoản chi phí phát hành theo tỷ lệ trên số phát hành.
Vụ Tài chính Bộ GTVT cũng cho biết, để triển khai xây dựng đề án đột phá mở rộng QL1 với mục tiêu đến 2020 hoàn thành khoảng 2.300 km đảm bảo quy mô 4 làn xe và đầu tư nâng cấp, cải tạo QL14 theo Nghị quyết 13/NQ/TW của Hội nghị lần thứ 4 BCHTW Đảng khóa XI, trong bối cảnh các nguồn vốn ngân sách, vốn ODA đầu tư cho hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu thì cần huy động tối đa các nguồn vốn ngoài ngân sách và phát hành trái phiếu công trình là rất cấp thiết. Đồng thời với đó, phát hành trái phiếu công trình để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm phát huy nội lực, huy động đóng góp của toàn dân cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, chính vì vậy, đối tượng mua trái phiếu sẽ không hạn chế.
Nguồn: Giaothongvantai.com.vn