An Sơn JSC

7 tỉnh Duyên hải miền Trung: Cần liên kết để phát triển

7 tỉnh duyên hải miền Trung bao gồm toàn bộ Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng- hạt nhân, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) và 2 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa nằm ở trung độ của cả nước, đóng vai trò trung gian trong việc kết nối 2 miền Bắc - Nam - 2 vùng kinh tế phát triển nhất của cả nước. Đây là lợi thế để 7 tỉnh này liên kết phát triển kinh tế.

Hiện trạng hệ thống GTVT nhiều hạn chế

Toàn vùng có 8.690km đường bộ, trong đó QL 1.820km chiếm 20,9%, tỉnh lộ 2.590km chiếm 29,8%, huyện lộ 4.280km chiếm 49,3%. Mạng lưới đường bộ nhìn chung được phân bổ tương đối hợp lý với 2 trục dọc chính xuyên suốt vùng từ Bắc vào Nam là QL1A và đường HCM.

Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng vừa được đưa vào khai thác
Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng vừa được đưa vào khai thác

Ngoài ra đang hình thành trục thứ 3 là tuyến đường bộ ven biển (TP Đà Nẵng là địa phương đầu tiên hoàn thành tuyến đường ven biển trên địa bàn, kết nối 2 địa phương giáp ranh là Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam với trục đường ven biển Nguyễn Tất Thành - cầu Thuận Phước- Trường Sa - Hoàng Sa - Điện Ngọc - Cửa Đại). 9 trục ngang chính là QL49, QL14B - 14D, QL14E, QL24, QL19, QL25, QL26, QL20 và QL27 tạo sự kết nối Đông - Tây. Hầu hết các QL quan trọng đã được mở rộng, nâng cấp, tỷ lệ rải mặt đối với QL và tỉnh lộ đều đạt gần 100%.

Nhiều công trình hạ tầng được xây dựng nâng cấp, đưa vào khai thác phát huy hiệu quả, trong đó phải kể đến các dự án lớn như nâng cấp QL1A, đường HCM, xây dựng và nâng cấp các cảng biển Đà Nẵng, Chân Mây, Dung Quất, Quy Nhơn; nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Phú Bài, Chu Lai, Cam Ranh. Đặc biệt, hầm đường bộ Hải Vân đưa vào khai thác đã tạo ra điểm nhấn cho sự phát triển của GTVT vùng.

Theo Tiến sĩ Lý Huy Tuấn - Viện Chiến lược và phát triển GTVT, về mạng lưới, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của vùng đã đảm bảo sự liên kết vận tải giữa các địa phương trong vùng và kết nối với các miền trong cả nước. Tuy nhiên, về chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông cũng như chất lượng dịch vụ vận tải còn nhiều hạn chế.

Đường bộ còn đang trong quá trình xây dựng, cải tạo và nâng cấp; hiện chưa có đường bộ, đường sắt cao tốc; các trục giao thông chính yếu còn hạn chế về quy mô, năng lực thông qua; một số tuyến đường tránh đô thị lớn trong vùng chưa được xây dựng.

Mới chỉ có duy nhất đoạn tuyến đường sắt Bắc Nam chạy qua vùng với tiêu chuẩn kỹ thuật và năng lực vận tải thấp, chủ yếu chỉ phục vụ vận tải hành khách trong vùng. Cảng biển tuy nhiều nhưng nhìn chung năng lực còn yếu, năng suất khai thác thấp, chưa phát huy được thế mạnh. Phần lớn các cảng mới chỉ phục vụ được nhu cầu sản xuất, nhập hàng hóa của các địa phương trong vùng.

Các cảng hàng không cơ bản đã đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không của vùng, liên vùng, nhưng khả năng kết nối với các tuyến quốc tế còn nhiều hạn chế. Tổ chức vận tải trong vùng chủ yếu còn ở dạng hợp đơn thức. Vận tải đa phương thức chưa phát triển do khả năng liên kết giữa các phương thức vận tải trong vùng yếu. Hệ thống hạ tầng và dịch vụ trung chuyển hàng hóa và hành khách giữa các phương thức vận tải như cảng cạn, trung tâm logistics, kho bãi hàng hóa, trạm dừng chân... hầu như chưa có.

Cần phải liên kết để phát triển

Theo nhận định của các chuyên gia, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của vùng cần áp dụng hướng tiếp cận theo hành lang vận tải trong khi lập và thực hiện chiến lược, quy hoạch, đánh giá và thực hiện các dự án giao thông vùng cụ thể. Việc thực hiện quy hoạch theo hành lang vận tải sẽ giúp xác định được các yếu tố cần được cải thiện, đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp.

Cần phát triển 8 hành lang vận tải chủ yếu đi qua và trên địa bàn vùng gồm: Hành lang xương sống quốc gia, Hành lang cửa ngõ quốc tế vùng kinh tế trọng điểm miền Trung- là hành lang trọng yếu phục vụ và kết nối các đô thị lớn ở miền Trung, nhất là Đà Nẵng và Huế, với tuyến đường chính là QL1. Đến năm 2030, lưu lượng giao thông dự kiến tăng 5-8 lần về vận tải hành khách và 3-4 lần về vận tải hàng hóa.

Các hành lang vùng: Hành lang Đà Nẵng - QL1A - QL9 - Biên giới Việt - Lào, là hành lang quan trọng, ngoài nhu cầu vận tải của Vùng còn hàng hóa quá cảnh của Lào, Đông Bắc Thái Lan. Hành lang Đà Nẵng - QL14B -14D - Đường HCM - Tây Nguyên, là hành lang vận tải quan trọng nối cảng biển Đà Nẵng với khu vực Tây Nguyên. Hành lang Dung Quất - QL24 - Tây Nguyên để vận chuyển hàng hóa và hành khách do đường bộ đảm nhận 100%. Hành lang Quy Nhơn - QL19 - Tây Nguyên nối cảng biển Quy Nhơn với Tây Nguyên và các nước láng giềng. Hành lang Nha Trang- QL26- Buôn Ma Thuột.

Hành lang Nha Trang - QL20 - Đà Lạt. Việc liên kết, phối hợp với các địa phương trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cần phải phối hợp chặt chẽ trong việc quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của từng tỉnh. Khi lập quy hoạch GTVT của mỗi tỉnh, cần có sự tham vấn các tỉnh lân cận để có phương án phối hợp quy hoạch phát triển hợp lý, thống nhất vị trí, quy mô kết nối để đảm bảo hiệu quả chung của toàn vùng.

Nguồn: Giaothongvantai.com.vn


� 2009 -2024  An Sơn JSC | Homepage