Bộ GTVT vừa nghe báo cáo đầu kỳ lập dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Nha Trang - Phan Thiết. Với số vốn đầu tư dự kiến lên đến hơn 77 nghìn tỷ đồng thì việc tìm đủ nguồn để đáp ứng cho dự án đường cao tốc thuộc loại "khủng" nhất Việt Nam này sẽ hết sức nan giải.
Theo báo cáo đầu kỳ do liên danh Công ty tư vấn & KSTKXD-BQP và Công ty CP tư vấn XDGT 8 chuẩn bị, tuyến cao tốc Nha Trang - Phan Thiết có chiều dài lên đến 235km. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 77 nghìn tỷ đồng, riêng chi phí xây dựng hơn 49 nghìn tỷ đồng. Trong đó, tuyến đường sẽ được phân kỳ đầu tư theo hai phương án.
|
Điểm đầu của dự án tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa |
Phương án 1 chi phí xây dựng gần 39 nghìn tỷ đồng và phương án 2 hơn 43 nghìn tỷ đồng. Điểm đầu của dự án tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Điểm cuối dự kiến nối với đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thuộc tỉnh Bình Thuận. Tuyến đường được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120km/h. Quy mô mặt cắt ngang hoàn chỉnh trên toàn tuyến là 6 làn xe, giai đoạn 1 phân kỳ 4 làn, các công trình cầu lớn, hầm xây dựng ngay 6 làn.
Tuyến đường là một đoạn của tuyến cao tốc Bắc - Nam thuộc mạng lưới đường cao tốc quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là một trong những dự án hạ tầng giao thông có quy mô lớn nhất từ trước tới nay và đi qua các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận - khu vực có tiềm năng lớn về du lịch và phát triển kinh tế.
Ông Lê Xuân Sinh, Tổng Giám đốc Ban QLDA 6, đơn vị được giao chuẩn bị dự án cho biết, hiện tại tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sắp hoàn thành, Dầu Giây - Phan Thiết dự kiến triển khai theo hình thức PPP sẽ được Bộ GTVT và các nhà đầu tư khởi công trong thời gian ngắn tới thì nhu cầu đầu tư Dự án Nha Trang - Phan Thiết để kết nối đồng bộ từ TP.HCM tới thành phố biển Nha Trang là rất quan trọng. "Ban QLDA 6 và các cơ quan chức năng đang rốt ráo kêu gọi, tìm kiếm các nguồn vốn để sớm triển khai đầu tư tuyến đường.
Vốn huy động có thể theo hình thức hỗn hợp từ ODA, vốn do nhà đầu tư, ngân sách Nhà nước. Thời gian qua, WB và JICA và một số nhà đầu tư rất quan tâm đến dự án này"- ông Sinh thông báo. Vấn đề khó khăn nhất hiện nay đối với "siêu" dự án này là tổng mức đầu tư quá cao. Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, với các dự án có quy mô lớn thì theo quy định phải xin ý kiến Quốc hội trước khi triển khai.
Do đó, thời gian chờ đợi và các thủ tục liên quan sẽ rất phức tạp, kéo dài và không dễ để tiếp cận các nguồn vốn. Hiện nay, các kênh huy động vốn cho đường cao tốc vẫn tập trung chủ yếu ở 3 nguồn chính là ngân sách, các doanh nghiệp theo hình thức hợp tác công - tư và từ các nhà tài trợ. Tuy nhiên, vốn ngân sách giờ rất khó khăn và khó có thể đáp ứng cho một dự án hàng chục nghìn tỷ đồng như Nha Trang - Phan Thiết. Hợp tác công - tư và từ các nhà tài trợ thì dự án phải thật sự có tiềm năng; Các thủ tục, cơ chế cần phải chuẩn bị nhanh và thông thoáng.
Trước đây, một số bộ, ngành, cơ quan chức năng và nhà đầu tư từng đề xuất tách tuyến đường ra làm những dự án thành phần có quy mô nhỏ hơn để dễ kêu gọi vốn. Mặc dù vậy, đây cũng là việc khá nan giải và làm đau đầu không ít nhà quản lý, bởi sẽ phải giải quyết hàng loạt các vấn đề liên quan như: Tách làm 2 dự án thành phần thì quản lý ra sao? Có đầu tư ngay cả 2 dự án thành phần này cùng một lúc hay đầu tư giãn cách?
Nếu tách thì đây là tiểu dự án trong cùng một dự án hay là những dự án riêng biệt. Rõ ràng đây đều là những vấn đề không dễ có đáp án bởi nếu chỉ tách theo kiểu “đối phó” thì sẽ không dễ được các cơ quan chức năng và dư luận trong nước đồng tình. Còn tách ra triển khai riêng biệt thì làm đoạn nào trước, đoạn nào sau cũng đều nan giải.
Nguồn: Giaothongvantai.com